2 nhà máy lọc dầu sẽ cung ứng 72-80% tổng nhu cầu xăng dầu trong nước

Bộ Công Thương mới công bố báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022. Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đánh giá tình hình xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động.

Theo đó, nguồn cung trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.

Trong khi nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Về tình hình cung ứng xăng dầu trong quý III và quý IV, Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và cho biết – kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 trong quý III, chiếm 72% tổng nhu cầu và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.

“Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường”, Bộ Công Thương thông tin.

Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Kinh tế vĩ mô - 2 nhà máy lọc dầu sẽ cung ứng 72-80% tổng nhu cầu xăng dầu trong nước

Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất.

Theo cơ quan này, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) với mức chi từ 100 – 1.500 đồng/lít tùy loại.

Trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, việc sử dụng công cụ Quỹ BOG bị hạn chế do không còn nhiều dư địa.

Hiện số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch của Chính phủ.

Trong kỳ điều chỉnh xăng dầu chiều 1/8, liên Bộ Tài chính – Công Thương, xăng E5 RON 92 giảm 450 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 470 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 24.620 đồng/lít và xăng RON 95 là 25.600 đồng/lít.

Giá bán đối với mặt hàng dầu giảm mạnh hơn xăng ở kỳ điều hành này, theo đó dầu diesel giảm 950 đồng/lít còn 23.900 đồng/lít, dầu hỏa còn 24.530 đồng/lít…

Đây là lần giảm thứ 4 sau 7 lần tăng liên tiếp của giá xăng, dầu. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 24.500-25.500 đồng/lít, tương đương mức giá vào đầu năm.

Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 800-850 đồng/lít, dầu diesel 450 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp lớn đã dương trở lại. Trong đó, tính đến 21/7, Petrolimex dương 53,3 tỷ đồng, PV Oil âm hơn 1.000 tỷ đồng.