BIDV đã tất toán toàn bộ nợ VAMC

Ngày 7/3, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Theo BIDV, tính đến hết 2019, nợ bán cho VAMC là 9.300 tỷ đồng, ngân hàng đã trích dự phòng 6.300 tỷ trong năm 2019, số thu nợ gần 1.000 tỷ và trích 2.000 tỷ đồng xử lý vào đầu năm nay.

Đây là phiên đại hội ngân hàng đầu tiên diễn ra trong bối cảnh có ca bệnh đầu tiên nhiễm nCoV ở Hà Nội. 

Bác sĩ đo thân nhiệt cổ đông tại Đại hội. Ảnh: BIDV.

Nhà băng đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2020 là 12.500 tỷ đồng, tăng 15% so với 2019 với kịch bản tốt nhất là dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú nhận định tình hình diễn biến phức tạp nên kịch bản này trở nên khó khăn. Ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trong trường hợp cần thiết.

Sau 2 tháng đầu năm, huy động vốn của ngân hàng giảm 1,6%, dư nợ tín dụng giảm gần 2%, phù hợp xu hướng chung của thị trường do tháng đầu năm người dân không có tâm lý đi vay. Bên cạnh đó, nCoV có tác động kép rất mạnh tới cung, cầu, doanh nghiệp và hành vi thói quen của người dân, nên ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngành ngân hàng. 

Lãnh đạo BIDV cho hay rất khó để thống kê chính xác số dư nợ bị ảnh hưởng. Các ngân hàng vẫn đang rà soát. Tuy nhiên, tổng dư nợ của các ngành có khả năng bị ảnh hưởng như du lịch, xuất khẩu, nông nghiệp…. khoảng 140.000 tỷ đồng. Còn trên thực tế, có thể một số doanh nghiệp vượt qua được. 

BIDV đang tham gia hỗ trợ 120.000 tỷ đồng trong gói tín dụng 250.000 tỷ mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Tính nay, ngân hàng đã hỗ trợ được 28.000 tỷ và số lượng hỗ trợ thực tế còn tuỳ thuộc sức hấp thụ của doanh nghiệp và người dân. 

Năm 2020, BIDV trình cổ đông mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động theo kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao là 9%. Ông Phan Đức Tú nói, mục tiêu đặt ra ban đầu là 13% nhưng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh xuống 9% để phù hợp với chính sách tiền tệ. 

Kế hoạch kinh doanh 2020 của BIDV. Nguồn: BIDV. 

Kế hoạch kinh doanh 2020 của BIDV. Nguồn: BIDV. 

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng được đề xuất tại đại hội là tăng vốn hơn 6.230 tỷ đồng bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phần mới công khai hoặc riêng lẻ. Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành trả cổ tức 7%, nên sẽ phát hành 281,5 triệu cổ phần, dự kiến trong quý III/quý IV khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Ngoài ra, ngân hàng muốn phát hành thêm cổ phần mới bằng cách chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 341,5 triệu cổ phần, tương đương 8,5% số cổ phần đang lưu hành tại cuối 2019. Nếu hai phương án này thành công, vốn điều lệ nhà băng sẽ tăng lên đạt khoảng 46.450 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn bằng hai phương án trên, vốn điều lệ sau phát hành sẽ là 45.549 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV tiếp tục đề xuất phát hành cổ phiếu lựa chọn cho người lao động (ESOP) trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhằm có thêm phương án cho việc tăng vốn. 

Lý giải về nợ nhóm 5 gia tăng trong năm 2019 (tăng 60%), lãnh đạo ngân hàng cho biết đó là điều bình thường, xuất phát từ việc nhóm 3-4 đến hạn chuyển nhóm, trong đó do cả yếu tố chuyển nhóm nợ theo CIC với các ngân hàng khác.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn của BIDV là 26,54% (đảm bảo dưới 45% theo quy định). Tỷ lệ cho vay trên huy động vốn (LDR) là 87,95%, đảm bảo tuân thủ quy định ở mức kiểm soát 90%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) hợp nhất toàn hệ thống là 8,77%. 

 Quỳnh Trang