Bước tiến mới của An Quý Hưng tại Vinaconex

Nhóm An Quý Hưng đã gom được hơn 65% cổ phần Vinaconex

Chỉ trong 7 phiên giao dịch từ 19/12-30/12/2019, hơn 40,3 triệu cổ phiếu, tương đương 9,1% vốn Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được giao dịch thoả thuận, với giá trị lên tới 1.150 tỷ đồng.

Diễn biến này không khỏi thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Như đã biết, sau khi Nhà nước thoái vốn vào cuối năm 2018, cơ cấu cổ đông lớn của Vinaconex là Công ty TNHH An Quý Hưng – 57,71%, nhóm Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ nắm 28,85%.

Cả hai nhóm này sở hữu tổng cộng 84,57% vốn Vinaconex và duy trì ổn định cho đến nay, vậy thì 9,1% vốn VCG được giao dịch thoả thuận dồn dập trong ít ngày cuối năm 2019, ắt hẳn phải đến từ các cổ đông nhỏ lẻ, nắm giữ 15,43% còn lại.

Một chi tiết đáng lưu ý là giá giao dịch thoả thuận cổ phiếu VCG trong 7 phiên cuối năm ngoái là từ 28.200 – 29.500 đồng, bình quân là 28.600 đồng, cao hơn khá nhiều so với mức dưới 27.000 đồng trên sàn.

Vậy thì băn khoăn là ai đã tích cực mua gom cổ phiếu VCG với giá cao như vậy, và mục đích nhắm tới là gì?

Không khó để thấy mục tiêu của những nhà đầu tư này chắc hẳn không phải để kiếm lời theo kiểu lướt sóng ngắn hạn, và bởi vậy, họ – những người đã chi gần 1.200 tỷ chỉ trong ít ngày cuối năm ngoái – cũng không phải những “brocker” đơn thuần.

Họ – không loại trừ khả năng “thuộc về” một trong hai nhóm cổ đông lớn của Vinaconex – những bên đều đang duy trì tỷ lệ khá chênh vênh: An Quý Hưng là chưa đủ 65% và nhóm Cường Vũ – Star Invest cũng còn cách xa mốc phủ quyết 36%.

Câu hỏi, một lần nữa được đặt ra, là ai có động lực hơn?

CTCP Địa ốc Phú Long – pháp nhân cùng nhóm với Cường Vũ – Star Invest “vào” Dự án Splendora Bắc An Khánh từ cuối năm 2017, cùng chia đều 264ha đất vàng phía Tây Hà Nội với Vinaconex. Trong đợt thoái vốn nhà nước vào cuối năm 2018, nhóm này đã gom được tới gần 29%, tuy nhiên “chào thua” trước mức giá không tưởng mà An Quý Hưng đã bỏ ra để ôm trọn lô 57,71% cổ phần VCG từ SCIC – là 7.400 tỷ đồng. Việc chạy đua gom cổ phần để đẩy tỷ lệ sở hữu lên 36%, về lý thuyết có thể giúp nhóm này có quyền phủ quyết khá lớn, song đặt lên bàn cân với số tiền nhiều trăm tỷ đồng mua cổ phần để rồi tiếp tục “sa lầy”, đây khó là phương án tối ưu.

Với An Quý Hưng thì khác, bỏ ra chi phí rất lớn, với giá vốn (tính theo lãi vay) đến nay phải tính bằng đơn vị nghìn tỷ, nhà đầu tư này chắc hẳn là bên rất “sốt ruột”, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu ở mức “lưng chừng” khiến dù mang danh công ty mẹ, song An Quý Hưng vẫn không thể chi phối được Vinaconex.

Tuy nhiên, nếu đẩy tỷ lệ sở hữu vượt quá 65%, câu chuyện lúc này sẽ rất khác. Điều lệ đang có hiệu lực của Vinaconex quy định nhóm cổ đông nắm 65% có quyền “…sửa đổi, bổ sung Điều lệ, loại cổ phiếu và số lượng cổ phiếu được chào bán, việc tổ chức lại hay giải thể doanh nghiệp, giao dịch mua, bán tài sản Tổng công ty hoặc các chi nhánh thực hiện có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản của Tổng công ty tính theo Báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán”.

Bởi vậy, không lạ nếu nhóm An Quý Hưng là bên có động lực hơn cả trong các đợt mua gom cổ phiếu VCG. Và theo nguồn tin của Nhadautu.vn, nhóm này trên thực tế đã gom được hơn 65% vốn Vinaconex.

Theo Nhà đầu tư