Cà Mau: Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn

Cà Mau có tổng diện tích rừng ngập mặn là 35.000 ha, tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời, nhưng nhiều nhất ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Từ việc chỉ đóng vai trò chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, cân bằng môi trường thiên nhiên, người dân tỉnh Cà Mau đã biết tận dụng mặt nước dưới chân rừng thả nuôi các loài thủy sản.

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn là môi trường sống, là nơi sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản. Nó có vai trò cung cấp thức ăn, nơi cư trú, nuôi dưỡng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị, đặc biệt là các loài tôm, cua, cá, các loài nhuyễn thể. Vật rụng (lá, cành, chồi, hoa, quả) của cây rừng ngập mặn được các vi sinh vật phân hủy thành mùn bã hữu cơ là nguồn thức ăn cho các loài thủy sản, cây rừng tạo bóng râm, gốc và rễ cây rừng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh vật. Vì vậy rừng ngập mặn là một thành phần không thể thiếu của các hệ sinh thái tự nhiên, nó giúp bảo vệ các loài sinh vật chống lại sự ảnh hưởng của thủy triều, mưa bão và cung cấp một môi trường sinh sống phù hợp cho ấu trùng của các loài tôm cá. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng như là một nhà máy lọc khí CO2, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng khí nhà kính và giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Rừng ngập mặn còn điều hòa vi khí hậu trong vùng, làm không khí dịu mát hơn, giảm nhiệt độ tối đa và biên độ nhiệt, giúp hạn chế sự bốc hơi nước. Nhờ các hoạt động tích cực của những nhóm lợi khuẩn, động thực vật phù du và hệ thống rễ cây rừng, vùng đất rừng ngập mặn đã giúp cho nguồn nước nuôi tôm ổn định hơn. Với chức năng xử lý nước trong sạch hơn, rừng ngập mặn đã được xem như quả thận khổng lồ của tự nhiên lọc các chất thải cho môi trường.

Bên cạnh đó, rừng giúp loại bỏ các chất phú dưỡng, trầm tích và chất ô nhiễm ra khỏi đại dương và sông ngòi. Bằng các quá trình sinh hóa phức tạp, rừng ngập mặn phân giải, chuyển hóa, hấp thụ các chất độc hại, giúp lọc sạch nước cho những hệ thống sinh thái xung quanh.

Theo Trung tâm Khuyến ngư thuộc Sở NN&PTNT Cà Mau, trong những năm qua đã có trên 400 hộ nuôi thủy sản dưới chân rừng ngập mặn, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên. Do đó, Sở NN&PTNT Cà Mau đã khuyến khích người dân sản xuất theo mô hình này.

Với lợi thế là hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, nhiều tổ chức quốc tế đã đến khảo sát, tìm hiểu để đưa vào những dự án phát triển rừng tự nhiên bền vững cho vùng đất Cà Mau.

Nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) nhận định rằng, trong 30 năm qua, Việt Nam đã mất 1/2 diện tích rừng ngập mặn, chủ yếu do mở rộng diện tích lúa và do đào ao nuôi tôm. Các tổ chức phi chính phủ đã đầu tư nhiều dự án nhằm góp phần phát triển bền vững cả tôm và rừng, trong đó có tỉnh Cà Mau.

Vào năm 2013, tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã thực hiện dự án MAM (Dự án phục hồi rừng ngập mặn, dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải). Dự án này đã hướng dẫn người dân sinh sống trong khu vực rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau cách sản xuất tôm sinh thái, vừa nâng cao thu nhập, vừa giúp bảo vệ được hệ sinh thái dưới tán rừng. Cho đến nay, dự án MAM đã kết thúc và đạt kết quả khả quan, nhưng người dân nơi đây vẫn tiếp tục hướng đi phát triển kinh tế bền vững này.

Bên cạnh đó, SNV cũng đầu tư hơn 1 triệu USD để triển khai mô hình nuôi tôm rừng nhằm cải thiện sinh kế hộ nuôi tôm rừng, khuyến khích hộ nuôi có trách nhiệm và thị trường chứng nhận đối với duy trì hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển thông qua sự liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Ban quản lý rừng Nhưng Miên (huyện Ngọc Hiển). Việc kết nối người nuôi với doanh nghiệp chế biến và bên mua thông qua tổ, nhóm liên kết cho việc chứng nhận, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao hiệu quả mô hình của hộ qua các nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật về mật độ nuôi, thức ăn, con giống.

Ông Richard McNally Điều phối viên toàn cầu Chương trình REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) cho rằng: “Dự án này không chỉ tìm cách để giới thiệu sản xuất bền vững, hỗ trợ nông dân địa phương và các doanh nghiệp địa phương mà còn làm giảm tác động trên diện tích rừng ngập mặn. Bởi rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong thích ứng biến đổi khí hậu; giảm thiểu, bảo tồn và phục hồi rừng cũng rất quan trọng cho sự thịnh vượng trong tương lai tỉnh Cà Mau”.

tm-img-alt
Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn là giải pháp phát triển kinh tế bền vững.

Phát triển kinh tế hiệu quả

Xuất phát từ lợi thế rừng ngập mặn, có thể kết hợp thả nuôi tôm dưới tán rừng với tỉ lệ 60% diện tích rừng, 40% diện tích thả tôm với mật độ thưa, thức ăn nuôi tôm từ tự nhiên,… nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã chung tay làm nên sự chuyển đổi tích cực này.

Theo ông Lê Minh Tỵ, trú tại ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết, ngay trong rừng đước, nhiều hộ dân huyện Ngọc Hiển đã học tập cách đào vuông, thả tôm sú, phát triển kinh tế. Bằng cách nuôi tôm trong rừng ngập mặn, các hộ nuôi tôm chỉ mất chi phí mua tôm giống, hoặc tôm tự sinh sản, không mất chi phí thức ăn cho tôm. Con tôm thường sống len lỏi trong rễ cây đước, bám vào rễ cây, ăn rong rêu, từ đó mà lớn lên.

Chính vì vậy, con tôm được nuôi trong rừng đước sinh trưởng khỏe mạnh, ít dịch bệnh, lại an toàn cho người tiêu dùng bởi hệ sinh thái rừng. Người dân Cà Mau hiện nay có biểu tượng “con tôm ôm cây đước” chính là mô hình nuôi tôm sạch, tôm sinh thái lớn một cách tự nhiên trong rừng đước.

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tích cực phát triển diện tích tôm hữu cơ, tôm sinh thái rừng lên 17.000 ha; trong đó, diện tích tôm sinh thái rừng có chứng nhận ASC (Chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản châu u) là 1.200 ha. Dự kiến, diện tích sản xuất tôm rừng có chứng nhận ASC là 10.000 ha vào năm 2025, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Qua khảo sát các nông dân nuôi tôm rừng, tôm sinh thái tại Cà Mau, có thể thấy nguồn thu nhập của các nông hộ nhận trồng rừng kết hợp nuôi tôm ngày càng tăng, đời sống ngày càng phát triển. Ông Vũ Thành Chung, ngụ tại huyện Ngọc Hiển chia sẻ, gia đình ông có 5 ha diện tích nuôi tôm sinh thái. Sau mỗi kì thu hoạch, toàn bộ tôm của gia đình ông được Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú thu mua. Sau khi trừ chi phí giống và công thu hoạch, gia đình thu lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.

Ông Lý Hoàng Tiến, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn giúp hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản lượng thủy sản ổn định. Với cách sản xuất này, con tôm sinh thái đã tạo đà để vực dậy nền kinh tế của địa phương. Và mô hình nuôi tôm sinh thái được xem như mô hình bền vững và là hướng đi tích cực nhất cho tương lai.

Đến cuối năm 2020, toàn huyện Ngọc Hiển có 4.500 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái với diện tích 17.805 ha, tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn; trong đó, khu vực trọng điểm tập trung ở xã Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông… Thời gian tới, huyện Ngọc Hiển tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với toàn bộ diện tích này, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nhận định: Dự án của SNV sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng rừng – tôm kết hợp gắn kết trong chuỗi sản xuất với tinh thần trách nhiệm cao giữa các bên từ người sản xuất, chủ rừng, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ. Dự án sẽ đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao mức sống của người dân vùng rừng, bảo vệ và phát huy tốt tài nguyên rừng.