Cảnh báo trong hoạt động đa cấp – Cái nhìn từ vụ án tại công ty Liên Kết Việt

Vụ án tại công ty Liên Kết Việt

Ngày 4/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thông báo ngày 21/12 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (viết tắt là Công ty Liên Kết Việt).

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Trần Nam Hà (Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) là chủ tọa phiên tòa. Có tổng số 24 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, các đương sự.

Công ty CP Liên kết Việt – mô hình kinh doanh hàng đa cấp vi phạm vừa bị xử phạt. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, Tòa đã triệu tập 6.053 bị hại và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tham dự phiên tòa. Đây là con số kỷ lục về số lượng người tham gia trong một phiên tòa.

Dự kiến, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ bố trí khu vực riêng và lắp đặt màn hình truyền dẫn, nhằm tạo điều kiện cho các bị hại theo dõi phiên xử. Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố 7 bị cáo về hành vi lừa đảo hơn 68.000 bị hại để chiếm đoạt trên 1.121 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (viết tắt là Công ty BQP) và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động. Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất.

Trong khoảng từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP.

Các bị cáo cũng đã giới thiệu rằng Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP là những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với xã hội nên được lãnh đạo Nhà nước, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Tuy nhiên, thực chất các bằng khen, giấy chứng nhận đều do chính Lê Xuân Giang đặt làm giả.

Sau khi tạo lòng tin về Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, về hàng hóa kinh doanh đa cấp và uy tín trong hoạt động kinh doanh của các công ty này, các bị cáo đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị cáo này đặt ra.

Để lôi kéo, chiếm đoạt được nhiều tiền của các bị hại đóng vào, Công ty Liên Kết Việt đã đặt ra những quy định trái pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp như: chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng.

Lê Xuân Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ tiền lôi kéo người tham gia mới, từ những khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.

Hàng hóa bán hàng đa cấp do Giang và các đồng phạm bán ra là máy khử độc Ozone Advance Great-13 và một số thực phẩm chức năng như: Ngũ Linh đông trùng hạ thảo, Bổ Não Vương, Dưỡng cốt vương, Sâm nhung đông trùng hạ thảo…

Cùng với việc thuyết trình, quảng cáo tạo lòng tin sai sự thật về Công ty Liên Kết Việt như trên, các bị cáo còn đặt ra và đưa vào triển khai trên liên tục trên toàn hệ thống kinh doanh đa cấp 15 chương trình thi đua khuyến mại, kích cầu chạy song hành với việc chi trả hoa hồng, đưa ra những khoản khuyến mại lớn.

Cụ thể, nếu nộp vào Công ty Liên Kết Việt 7 triệu đồng (về sau là 8,6 triệu đồng) sẽ nhận được tiền thưởng lên tới 409 triệu đồng; nếu lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ nhận được quà thưởng là ôtô trị giá tới 1 tỷ đồng, căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng, tặng chuyến du lịch nước ngoài, được lên chức phó phòng, trưởng phòng, giám đốc; hưởng lương tháng, được ăn chia phần trăm số tiền thu được do các bị hại nộp vào tới 10 tỷ đồng mỗi tháng…

Mở rộng mạng lưới, lôi kéo được nhiều bị hại đóng tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú và Nguyễn Thị Thủy còn cho mở các đại lý của Công ty Liên Kết Việt tại nhiều tỉnh, thành phố; đưa ra những quy định về quyền lợi áp dụng cho các Trưởng chi nhánh, Văn phòng đại diện, đại lý để khuyến khích các đối tượng này lôi kéo thêm nhiều bị hại tham gia tại các địa phương.

Với cách thức, phương pháp, thủ đoạn như trên, sau một năm hoạt động, đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp. Tổng cộng, các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền đó.

BBI Việt Nam có phải bản sao từ Liên Kết Việt?

Cuối năm 2019, Công ty Cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam (gọi tắt Cty BBI Việt Nam) nổi đình đám khi được giới thiệu là một startup khởi nghiệp đột phá trong trong lĩnh vực thương mại điện tử, và từng được ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) rót vốn tham gia đầu tư. Công ty quảng cáo sở hữu một mô hình kinh doanh giúp khách hàng và doanh nghiệp gắn kết với nhau dễ dàng. Đặc biệt, ứng dụng của công ty là BBI Mall có cơ chế tích điểm tối đa lên tới 100% giá trị sản phẩm và có thể tạo các giao dịch ảo, tự mua tự bán, tự trả chiết khấu.

Thời điểm đó, mô hình này đã bị dư luận đặt nghi vấn giống đa cấp trá hình bởi cơ chế trả lãi suất theo dạng nhánh, cành. Đặc biệt, TGĐ Cty BBI Việt Nam là ông Thân Ninh Hoài, từng giữ chức vụ quan trọng trong các công ty đa cấp nổi tiếng một thời như Cty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB 24 hay Cty Cổ phần Liên kết Sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt).

Ông Thân Ninh Hoài – Tổng giám đốc BBI, từng giữ chức vụ quan trọng trong các công ty đa cấp nổi tiếng một thời như Cty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB 24 hay Cty Cổ phần Liên kết Sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt).

Phản ánh đến báo chí, anh N.H.M (Nghệ An) cho biết, vào tháng 7/2019, anh được ông Đàm Xuân Đan, Giám đốc chi nhánh tại Nghệ An Cty BBI Việt Nam giới thiệu ứng dụng mua hàng tích điểm “thần kỳ” BBI Mall. Khách hàng muốn mua số sản phẩm trên ứng dụng BBI Mall, chỉ cần chuyển 10% giá trị sản phẩm vào tài khoản của Cty BBI Việt Nam. Đổi lại khách hàng sẽ được tích tương ứng số điểm. Số điểm này sẽ được hoàn tiền, chuyển đổi thành tiền mặt theo tỉ lệ 0,05% mỗi ngày và trả liên tục về cho chủ tài khoản cho đến khi hết điểm tích lũy. Bên cạnh đó, người dùng càng lôi kéo nhiều thành viên sử dụng ứng dụng, mức thưởng lợi nhuận càng cao từ 2,5% đến 5% tổng tích điểm.

Để tham gia giao dịch, ngày 16/1, anh M. mua 1 tài khoản bán hàng và 1 tài khoản mua hàng của Cty BBI Việt Nam với giá 3,5 triệu đồng/tài khoản. Sau đó, anh được hướng dẫn tham gia tạo 1 giao dịch ảo trị giá 2,3 tỷ đồng. Để có thể nhận lãi mỗi ngày, anh M phải chuyển 230 triệu đồng (tương đương 10% giá trị đơn hàng) sang tài khoản của Cty BBI Việt Nam và nhận tích điểm là 2,3 tỷ điểm trên ứng dụng.

Ở vai người bán, anh M. vẫn được Cty BBI Việt Nam trả số điểm tương đương với khoản hoa hồng nộp vào là 230 triệu điểm. Số điểm này sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt theo tỉ lệ 0,05% mỗi ngày và trả liên tục về chủ tài khoản cho đến khi hết số điểm tích lũy. Với 230 triệu đồng bỏ ra, anh M nhận được 1.265.000 đồng/ngày. Tính ra, lãi suất gần 200% năm.

Tuy nhiên, mới nhận được lãi khoảng 15 ngày, anh M được ông Đan giới thiệu, Cty BBI Việt Nam vừa ra mắt ứng dụng BBNOUS (giao dịch bằng đồng tiền điện tử) với chương trình khuyến mãi hấp dẫn, điểm tặng thưởng lớn. Thấy cơ hội tiềm năng, ngày 20/3, anh M tiếp tục tạo các đơn hàng ảo, rồi chuyển hơn 728 triệu đồng vào tài khoản của Cty BBI Việt Nam để nhận lãi. Sau nửa tháng, công ty bất ngờ dừng trả tích điểm. Còn bên BBI Mall, đến nay dù vẫn chạy tích điểm nhưng công ty khóa chức năng chuyển đổi, không thể rút ra tiền mặt.

“Trừ đi số tiền lãi công ty đã trả, hơn 800 triệu đồng của tôi bị công ty giữ suốt mấy tháng nay. Chúng tôi liên hệ Cty nhiều lần yêu cầu hoàn lại nhưng công ty hẹn lên, hẹn xuống, bảo công ty khó khăn, không trả nữa”, anh M. bức xúc nói.

Theo phản ánh của nhà đầu tư, bắt đầu từ tháng 4/2020, tất cả các ứng dụng của Cty BBI Việt Nam đều dừng chi trả. Trong khi hàng nghìn nhà đầu tư đang hoang mang, công ty này tiếp tục vẽ ra các ứng dụng để yêu cầu nhà đầu tư rót thêm tiền.

Anh Q.V.C, đại diện chi nhánh tại Thái Bình của Cty BBI Việt Nam cho biết, sau khi công ty lấy lý do dịch COVID-19 ngừng chi trả cho cộng đồng, vào tháng 4/2020 đại diện các chi nhánh, đại lý đã tập trung lên văn phòng của Cty BBI Việt Nam yêu cầu lãnh đạo công ty giải thích.

Tại đây, ông Hồ Quốc Anh, Chủ tịch HĐQT Cty BBI Việt Nam tuyên bố, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục chi trả dòng tiền sẽ phải tiếp tục tạo đơn hàng và mua các gói tài chính. “Công ty vẽ ra các dự án như Bfund, Oway và yêu cầu các văn phòng về thông báo với nhà đầu tư bỏ thêm một số tiền tương tự rồi sẽ cho dòng tiền chảy lại. Đợt vừa rồi, chúng tôi cắm nhà, cắm xe mỗi người đầu tư ít cũng một vài trăm triệu, người nhiều thì 4-5 tỷ đồng. Giờ làm gì có tiền để đầu tư”, ông C nói.

Ông C cho biết, sau đợt đó, ban lãnh đạo Cty BBI Việt Nam không còn liên hệ được nữa. Nhà đầu tư nhiều lần lên tìm để đối thoại nhưng đều bị né tránh. Riêng ông C. bỏ ra hơn 3 tỷ đồng, nhưng mới nhận được tiền lãi một tháng. Sau khi lên văn phòng gặp đại diện Cty BBI Việt Nam để phản ánh, ông C. còn bị khóa luôn cả ứng dụng (theo Tiền Phong).

Được biết, văn phòng BBI tại các tỉnh đã đồng loạt đóng cửa, dỡ bỏ bảng hiệu, các group Zalo giải tán, không một lời giải thích với nhà đầu tư.

Số ít giám đốc BBI một số chi nhánh tỉnh đồng thuận với nhà đầu tư viết đơn tố cáo đòi tiền, song đa phần phủi tay, rũ trách nhiệm, không hợp tác với nhà đầu tư sao kê số tiền mà chi nhánh chuyển cho BBI để làm bằng chứng tố cáo Công ty, thách thức nhà đầu tư gửi đơn kiện…

Theo tìm hiểu, cộng động tham gia BBI đã lên tới 1 triệu thành viên, nếu chỉ tính tiền mua tài khoản (3,5 triệu đồng/tài khoản), chưa kể số tiền người dân bỏ vào đầu tư thì tổng số tiền mà BBI chiếm đoạt của nhà đầu tư đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Phía Cty BBI Việt Nam, ngay sau khi cuốn gói nhiều tỷ đồng của nhà đầu tư, các lãnh đạo công ty như Hồ Quốc Anh, Nguyễn Văn Hưởng, Ma Văn Tráng…bỏ trốn biệt tăm, biệt tích.

Trong khi hàng nghìn người dân đang tố cáo Cty BBI Việt Nam chiếm đoạt nhiều tỷ đồng, đại diện BBI Thủ Đức (TPHCM) tiếp tục cho ra một phiên bản tương tự để dụ dỗ người dân

Bài học từ Liên Kết Việt, rồi đến sự sụp đổ của Myaladdiz, BBI … gần đây cho thấy, trào lưu hoàn tiền đa cấp đang nở rộ ở Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, thậm chí xuất hiện dấu hiệu lừa đảo với những đồng tiền ảo và dự án của hệ sinh thái ảo.

Trong lúc hàng nghìn người dân đang tố cáo việc BBI chiếm đoạt tiền nhiều tỷ đồng, thì nhiều phiên bản tương tự tiếp tục ra đời để dụ dỗ người dân, với hình thức gọi vốn đầu tư và kinh doanh trái phép (với sự xuất hiện của nhiều nhân vật cốt cán đã xuất hiện trong mô hình BBI, Myaladdiz…)

Vậy những biến thể của kinh doanh đa cấp đã được hình thành ra sao? Hoạt động như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo