Chứng khoán giảm phiên thứ tư trong tuần

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố sẽ bơm 1.500 tỷ USD thanh khoản để can thiệp thị trường thông qua các khoản vay ngắn hạn và kích hoạt lại chương trình mua trái phiếu. Thông tin này cũng tác động tích cực tới nhà đầu tư trong nước ở những phút đầu khi mở cửa phiên chiều 13/3. 

Diễn biến thị trường sau đó được đẩy nhanh. Dẫn đầu đà tăng là nhóm cổ phiếu ngân hàng và lực kéo từ Sabeco. CTG, TCB, BID có thời điểm vượt trên tham chiếu tăng gần 1%, trong khi SAB tăng hơn 5%.

Vn-Index bất ngờ phục hồi trong 10 phút đầu phiên chiều 13/3 trước khi quay đầu giảm điểm. Ảnh: Minh Sơn.

Tuy nhiên, đà phục hồi không giữ được lâu. Thị trường lại nhanh chóng giảm điểm khi áp lực thoát hàng tăng cao ở vùng giá xanh. Các cổ phiếu vừa chớp nhoáng vượt qua tham chiếu lại quay về sắc đỏ, đến 13h20, chỉ còn SAB vẫn giữ đà tăng trên 5%, STB và FPT tăng trên 1%.

VN-Index cũng bật lên sát tham chiếu khi độ rộng thị trường cân bằng hơn. Hơn 100 mã đang tăng điểm tính đến 14h30 và số lượng vẫn không ngừng nhích lên khi càng về cuối phiên.

Đà hồi phục được duy trì ổn định cho đến cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy. Nhiều bluechip ghi nhận biên độ dao động giá lớn khi giảm quyết liệt trong buổi sáng và đảo chiều lúc cuối. Điển hình như POW chốt phiên với mức tăng 6,1%, STB tăng 4,5%…

Ở chiều ngược lại, SBT là mã duy nhất giảm sàn trong phiên hôm nay. VN-Index đóng cửa tại 761,78 điểm, giảm 7,47 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên giảm thứ tư và cũng là thấp nhất của chỉ số trong tuần này. Hôm nay có hơn 354 triệu cổ phiếu được sang tay thành công, tổng giá trị gần 6.200 tỷ đồng. Giá trị giao dịch thoả thuận hơn 1.800 tỷ đồng.

Động thái bơm 1.500 tỷ USD của Fed “nhằm giải quyết sự gián đoạn bất thường trên thị trường tài chính, liên quan đến sự bùng phát của virus corona”, chi nhánh New York của Fed viết trong thông báo. Hợp đồng tương lai các chỉ số chứng khoán Mỹ ngay lập tức phản ứng với thông tin này. Chỉ số tương lai Dow Jones đang giảm gần 600 dưới tham chiếu trở lại sắc xanh, tăng hơn 600 điểm, trước khi thu hẹp đà tăng còn 275 điểm hiện tại.

VN-Index mở cửa phiên giao dịch sáng nay với sắc đỏ toàn diện. Chỉ số mất 18 điểm ngay sau phiên ATO, xuống sát mốc 750 điểm và trong tích tắc sau đó lao về mốc 725 điểm, giảm 5,68% so với tham chiếu. Đà giảm này khiến VN-Index tiếp tục thủng đáy sâu hơn. Lần gần nhất chỉ số xuống dưới mốc 725 điểm là đầu tháng 5/2017, tức cách nay khoảng 3 năm.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 30 năm, cộng thêm cơ chế ngắt mạch (ngừng giao dịch 15 phút) được kích hoạt lần thứ hai trong tuần ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư trong nước.

Tâm lý bán bằng mọi giá khiến thị trường không tìm thấy trụ đỡ nào. Cổ phiếu diễn biến tích cực nhất trong rổ VN30 là NVL cũng giảm đến 2,3%. Có đến 17 mã giảm kịch sàn và trắng bên mua chỉ sau nửa tiếng mở cửa. Dẫn đầu danh sách này là nhóm ngân hàng như VCB, BID, HDB; nhóm dầu khí gồm PLX, GAS và nhóm bán lẻ – hàng tiêu dùng thiết yếu gồm MSN, PNJ, MWG.

VN30-Index cũng đang xuyên thủng đáy 680 điểm lập vào tháng 4/2017. Khối ngoại liên tục xả hàng tại rổ này, trong đó HPG chịu áp lực mạnh nhất khi 4,6 triệu cổ phiếu được bán ra trong buổi sáng.

Sau 10h, lực cầu bắt đáy tại giá sàn đã xuất hiện tại VCB, VIC, CTD… đang giúp thị trường cân bằng trở lại và đi ngang vùng giá 725 điểm. Chỉ số hồi phục rõ hơn khi VN-Index chinh phục thành công mốc 735 điểm nhờ nhiều mã vốn hoá lớn thu hẹp đà giảm. SAB và STB giằng co mạnh suốt phiên sáng và đóng cửa nghỉ trưa tại tham chiếu.

2 cổ phiếu trong rổ VN30 về tham chiếu khi đóng cửa phiên sáng 13/3. Ảnh: Minh Sơn

2 cổ phiếu trong rổ VN30 về tham chiếu khi đóng cửa phiên sáng 13/3. Ảnh: Minh Sơn

VN-Index tạm nghỉ với mức giảm 4,33%, tương ứng 33,3 điểm. Thị trường phân hoá mạnh khi có đến 342 mã giao dịch dưới tham chiếu, trong đó 90 mã giảm hết biên độ. Thanh khoản phiên sáng đạt hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 đóng góp gần 2.300 tỷ đồng.

Các thị trường chính tại châu Á sáng nay giảm 6-8%, khi tâm lý nhà đầu tư bị đè nặng bởi mối lo về ảnh hưởng của Covid-19.

Tại Nhật Bản, Nikkei 225 trở thành chỉ số có diễn biến tiêu cực nhất đầu phiên khi mở cửa mất hơn 9%, sau đó mới thu hẹp đà giảm về ngưỡng 8,6% hiện tại. Chỉ số này đã bước vào thị trường giá xuống sau phiên hôm qua (12/3) – khi mất hơn 20% so với đỉnh gần nhất. Topix sáng nay cũng giảm hơn 8,6%, trong khi các chỉ số thành phần khác cùng mất trên 8%.

Tại Australia, S&P/ASX 200 giảm 7,67% ngay khi mở cửa. Chỉ số này cũng rơi vào thị trường giá xuống sau khi mất hơn 7% trong phiên hôm qua. MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản hiện giảm 3,14%.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ vừa phải ngừng giao dịch ngay đầu phiên khi chỉ số Nifty 50 giảm 10%, kích hoạt bộ ngắt mạch tạm thời. Trước đó, động thái tương tự diễn ra với thị trường Thái Lan và Hàn Quốc. SET Index của thị trường Thái Lan giảm 10%, bị dừng giao dịch ngay lập trước, trước khi thu hẹp đà giảm còn 5,46% vào cuối giờ sáng. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm hơn 8% vào đầu giờ khiến thị trường này dừng giao dịch vài phút.

Thị trường Trung Quốc vừa mở cửa cũng không thoát xu hướng chung. Shanghai Composite hiện mất 3,32%. Shenzhen Composite giảm 3,65. Hang Seng Index (Hong Kong) mất 6,2%.

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước khuyến cáo, lúc này nhà đầu tư cần bình tĩnh. Ông cho rằng, nên nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, với nội lực của nền kinh tế, có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng phục hồi.

“Dòng tiền đầu tư gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc đã ổn định sẽ tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao. Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, cơ chế đầu tư thông thoáng nên sẽ là điểm sáng khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Dũng nói.

Phương Đông – Minh Sơn