Chứng khoán lao dốc phiên đầu tuần

Sắc đỏ lan rộng toàn thị trường đầu giờ sáng nay khi nhiều cổ phiếu bị kéo về mức giá sàn ngay phiên ATO. Đà giảm của VN-Index từ mức hơn 5% khi mở cửa rút ngắn còn 4,5% vào giữa phiên. Nhưng đến cuối phiên sáng, biên độ giảm bị nới rộng khi bên cầm cổ phiếu có phần mất bình tĩnh. Nhiều mã phục hồi giữa phiên bị kéo về mức giá sàn, cảnh “trắng bảng bên mua” lan rộng với hơn 100 cổ phiếu trên HoSE.

Chỉ số Vn-Index mở đầu phiên chiều nay 9/3. Ảnh: Minh Sơn.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm hơn 51 điểm, tương đương 5,8% xuống 839,85 điểm. VN30-Index giảm 5,86% còn 786,98 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 6,13%, trong khi UPCOM-Index giảm 4,46%.

Tiêu cực nhất vẫn là nhóm dầu khí do ảnh hưởng từ giá dầu lao dốc quá nhanh. Trong VN30, GAS, PLX giảm sàn “trắng bảng bên mua”, các mã khác trong nhóm dầu khí như PVS, PVD, PVB cũng rơi vào cảnh tương tự, giảm tối đa biên độ. BRS cũng giảm 12%, PVC giảm 8,2%, POW giảm gần 7%. So với đầu giờ, diễn biến cuối phiên sáng cũng tiêu cực hơn.

Ngoài nhóm dầu khí, một loạt cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, tài chính cũng rơi vào cảnh “trắng bảng bên mua”. Trong nhóm ngân hàng, CTG, VCB, BID, STB giảm sàn. Ở nhóm tài chính, SSI, BVH cũng tương tự.

MWG, PNJ giảm gần 7%. Trên sàn HoSE, số cổ phiếu giảm gấp hơn 10 lần số tăng với 104 mã giảm sàn. Riêng trong nhóm bluechip, 12/30 cổ phiếu giảm sàn. Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 4.100 tỷ đồng.

Diễn biến nhóm VN30 cuối phiên sáng 9/3. Ảnh: VNDirect

Diễn biến nhóm VN30 cuối phiên sáng 9/3. Ảnh: VNDirect

Giá dầu sáng nay cũng lao dốc hơn 25%, phiên giảm mạnh thứ hai trong lịch sử, khi các nước kích hoạt “cuộc chiến về giá”. Trong khi đó, giá vàng và yen nhật – những tài sản mang tính trú ẩn – đều tăng mạnh.

“Khác với những lần giảm trước do thị trường thế giới, tâm lý nhà đầu tư đang chịu tác động mạnh do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước. Sắc đỏ cũng lan rộng toàn thị trường, thay vì một nhóm cổ phiếu cụ thể”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, nói với VnExpress sáng nay. 

Tuy nhiên, theo ông Minh, đà giảm có thể sẽ được khống chế và thị trường có thể phục hồi dần vào cuối phiên, nếu nhìn từ diễn biến lịch sử những phiên giảm sâu trước đó. “Diễn biến trong quá khứ đang ủng hộ khả năng phục hồi. Hơn nữa, nếu nhìn từ thị trường Hàn Quốc trước đó, đà giảm sốc khi diễn biến Covid-19 leo thang đã phục hồi trở lại rất nhanh sau đó”, ông Minh nói.

Hai yếu tố ủng hộ thị trường hiện nay, theo chuyên gia từ Yuanta, là lực cầu đã trở lại từ những phiên cuối tuần trước và diễn biến gần đây của khối ngoại. Vẫn duy trì trạng thái bán ròng, nhưng lực bán của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE đã giảm đáng kể, khối lượng lớn chủ yếu do bán ròng SHB tên HNX. Trong khi đó, diễn biến những phiên gần đây đang cho thấy xu hướng lực cầu trở lại, đà giảm mạnh thường ở đầu phiên nhưng thu hẹp gần thời gian đóng cửa.

Dù vậy ông Minh cũng đánh giá tính chất rủi ro của thị trường đã khác giai đoạn trước khi Covid-19 ảnh hưởng trực diện từ chính Việt Nam. “Rủi ro lớn nhất hiện nay là không ai có thể lường trước được diễn biến tiếp theo của dịch bệnh sẽ ra sao. Nhà đầu tư nên quan tâm đến việc quản trị rủi ro danh mục, đánh giá thị trường theo xu hướng thay vì cố dự báo Index sẽ ở mức bao nhiêu điểm”, ông Minh nói.

Trên thị trường châu Á sáng nay, sắc đỏ cũng lan rộng tại các thị trường lớn khi giá dầu giảm mạnh và mối lo về Covid-19 tăng cao. Các chỉ số chính của thị trường Nhật Bản như Nikkei 225 và Topix đều giảm trên 6%, Kospi của Hàn Quốc giảm gần 4%, Hang Seng của Hong Kong giảm 3,4%, sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc giảm trên 2%.

 Minh Sơn