Chứng khoán Mỹ, dầu thô cùng lao dốc

Mở cửa phiên 18/3, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống. DJIA mất 6%, S&P 500 giảm 5,4% và Nasdaq Composite mất 5,6%.

Mức giảm hiện thu hẹp về gần 4%. Lo ngại của nhà đầu tư về thiệt hại đại dịch gây ra với doanh nghiệp Mỹ đã lấn át sự lạc quan về các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.

Chỉ mới hôm qua, thị trường chứng khoán Mỹ còn tăng mạnh nhờ thông tin chính phủ Mỹ đang chuẩn bị gói kích thích trị giá khoảng 1.000 tỷ USD. DJIA tăng hơn 5%, còn S&P 500 và Nasdaq tăng 6%.

Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters

Wall Street đang trong thời kỳ biến động chưa từng có tiền lệ. Chỉ số S&P 500 đã tăng/giảm với biên độ 4% trở lên trong 7 phiên liên tiếp, phá kỷ lục cũ vào tháng 11/1929. Hiện tại, S&P 500 thấp hơn gần 30% so với đỉnh gần nhất.

Tỷ phú đầu tư Bill Ackman cho rằng biện pháp tốt nhất hiện tại để chặn đà giảm của thị trường và ngăn dịch bệnh lây lan tại Mỹ là đóng cửa biên giới và ngừng các hoạt động tại Mỹ trong 30 ngày. CEO DoubleLine Capital Jeffrey Gundlach thì dự đoán khả năng Mỹ suy thoái đã lên tới 90%, do việc đóng cửa các ngành nhà hàng, du lịch, khách sạn, hàng không, du thuyền sẽ khiến GDP hao hụt lớn. Ông cho rằng quy mô gói kích thích có thể lên hơn 1.000 tỷ USD.

Giá dầu thô cũng đang lao dốc. Dầu thô Mỹ WTI hiện mất gần 12%, về 24,15 USD một thùng – thấp nhất 18 năm. Dầu Brent giảm 6% về 26,96 USD.

Dầu thô hiện chịu sức ép cả về cung và cầu. Nhu cầu đi lại và hoạt động kinh doanh trên thế giới sụt giảm khiến tiêu thụ dầu giảm sút. Cuộc chiến giành thị phần thông qua tăng sản xuất giữa Saudi Arabia và Nga lại kéo dư cung lên cao.

Hôm thứ ba, Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu trong quý II. Theo đó, cả Brent và WTI sẽ chỉ giao dịch trung bình tại 20 USD một thùng.

Hà Thu (theo Bloomberg, CNBC)