Chứng khoán ngày 3/3: Kỳ vọng sự tích cực

VN-Index đã tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, nhưng xu hướng chính vẫn là trạng thái giằng co trong biên độ hẹp. Đà hồi phục chủ yếu đến từ một số cổ phiếu trụ cột như GAS, SAB và STB.

Thanh khoản thị trường giữ ở mức thấp, biên độ giao dịch thu hẹp và độ rộng nằm ở trạng thái trung lập. Theo đánh giá của giới phân tích, điều này báo hiệu xu hướng giao dịch cẩn trọng của nhà đầu tư. Khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng cũng được xem là một tín hiệu không tích cực.

Trong bản tin cuối giờ chiều ngày 2/3, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi ngắn trong phiên hôm nay (3/3) từ vùng hỗ trợ 875-880 điểm. Chỉ số được dự báo hướng đến thử thách vùng kháng cự 898-905 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Mặc dù vậy, theo nhóm phân tích, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại, nguy cơ lan rộng và kéo dài của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Cùng quan điểm với BVSC, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới vùng kháng cự quanh 900 điểm, nối tiếp đà tăng trong phiên đầu tuần. Còn Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng thị trường có thể duy trì nhịp vận động tích lũy trong vùng giá 873-925 điểm trong giai đoạn tới, nếu không có diễn biến đột ngột xoay quanh Covid-19.

Tuy nhiên, diễn biến tích cực trên thị trường thế giới đêm qua, nhiều khuyến nghị sớm được giới phân tích gửi nhà đầu tư sáng nay cho rằng thị trường có thể giao dịch với xu hướng tích cực hơn.

Đêm qua, Phố Wall đã có phiên tăng điểm mạnh khi các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất để giúp kinh tế Mỹ giảm bớt tác động của Covid-19.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giao dịch đầu tuần tăng 5,1%, phiên tăng điểm mạnh nhất từ năm 2009. S&P 500 và Nasdaq Composite chốt phiên cũng vượt trên 4% so với tham chiếu.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, giới đầu tư đang đặt cược 100% vào khả năng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3.

Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, nhiều thị trường châu Á cũng ghi nhận sự phục hồi khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng nới lỏng tiền tệ từ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Tại thị trường Trung Quốc, bất chấp số liệu sản xuất công nghiệp giảm mạnh, các chỉ số chính sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đều tăng trên 3% vào cuối phiên 2/3. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản cũng tăng gần 1%, trong khi Kospi của Hàn Quốc tăng gần 0,8%.

Minh Sơn