Chuyển đổi số – Chìa khoá để sống sót qua Covid-19

Trong buổi chiều mùa hè ngày 22/5, FPT phối hợp cùng Câu lạc Bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức buổi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới với chủ đề “Phải sống”.

Các diễn giả tham gia buổi trò chuyện chiều 22/5. 

Các diễn giả tham gia buổi trò chuyện chiều 22/5. 

Buổi nói chuyện dài hơn 3 giờ đồng hồ bàn thảo qua nhiều vấn đề mang tính chất “thời thế” mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các thành viên tại câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ nói riêng phải đối mặt. Không chỉ nhận định về tính cấp thiết, buổi hội thảo đi sâu nêu bật vấn đề xem đâu là vũ khí giúp các doanh nghiệp đứng vững trong khủng hoảng, đâu là công cụ để tìm ra nguy và cơ của giai đoạn mới.

Mở đầu cho buổi trò chuyên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, chia sẻ: “Cuộc chiến chống Covid là cuộc chiến khốc liệt nhất trong tất cả cuộc chiến đã xảy ra. Nhưng khó khăn thế nào các doanh nghiệp cũng phải sống mà là phải sống khỏe”.  Theo ông Bình, “có 3 con virus mà chúng ta phải đối mặt trong giai đoạn này là Covid -19, nỗi sợ hãi và tiêu dùng tối thiểu. Cả 3 con virus này đang thay đổi môi trường sống, kinh doanh và kinh tế xã hội và phải mất từ 5 đến 10 năm nữa, thế giới mới học được cách sống mới theo cách bình thường mới”.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại sự kiện. 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại sự kiện. 

Triết lý thời thế tạo anh hùng

Là một trong những diễn giả của chương trình, PGS.TS Trần Đình Thiên đã có phần trình bày dài hơn 30 phút, trọng tâm phân tích về bối cảnh thế giới hiện nay, vị thế của Việt Nam cũng như những cơ hội mà các doanh nghiệp và chính phủ có thể đón nhận.

Ông cũng là người đặc biệt nhấn mạnh đến các khái niệm như thời thế và anh hùng. Theo phó giáo sư, đây là thời điểm để bàn lại nhiều về số phận của Việt Nam, và đặc biệt lực lượng quyết định số phận này là lực lượng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Covid-19 bên cạnh những cơ hội về đón đầu vốn đầu tư FDI, làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như: ngân sách nhà nước còn yếu, các địa phương kinh tế trọng điểm đang sụt giảm sức mạnh, tỷ lệ giải ngân thấp. Vì vậy, theo PGS. Trần Đình Thiên, các doanh nghiệp cần phải định hình được nguy trong cơ và cơ trong nguy, nếu không làm được điều này thì khả năng đánh mất cơ hội là rất dễ.

PGS.TS Trần Đình Thiên tại sự kiện. 

PGS.TS Trần Đình Thiên tại sự kiện. 

Một trong những lời khuyên được ông nhấn mạnh là các doanh nghiệp Việt Nam nên dịch chuyển theo chiều dọc theo xu hướng công nghệ. Chuyển sang ứng dụng các công nghệ Big Data, AI, IoT… để tăng cường hiệu quả quản lý đồng thời tận dụng các cơ hội mới.

Đồng tình với cách nhìn nhận về nguy và cơ trong giai đoạn Covid, bà Hà Thu Thanh đến từ tập đoàn Deloitte Việt Nam nhận định: “Bối cảnh Covid-19 mang đến nhiều cơ hội, và rủi ro duy nhất là bạn có nhìn thấy cơ hội đó hay không”. Theo bà, đây là thời điểm để các doanh nghiệp đón bắt cơ hội, xu hướng mới để xoay chuyển mô hình kinh doanh, để không những có thể sống sót mà còn sống sung sướng.

Chiến đấu bằng vũ khí chuyển đổi số

Nói về một trong những công cụ có thể giúp các doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn Covid-19, bà nhấn mạnh, số hoá là một trong các công cụ quan trọng, đây không chỉ là một xu thế mà còn là một lựa chọn bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp, đầu tư công nghệ không phải là những gì lớn lao mà là đầu tư từ những phần nhỏ nhất và thay đổi dần dần.

Một trong những vấn đề được ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT liên tục nhấn mạnh đó là Covid -19 đang đặt cả thế giới nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sang chế độ thời chiến. Trong phần toạ đàm kéo dài gần một tiếng ở nửa sau chương trình, ông cho rằng, người lãnh đạo cần phải quyết định xem, trong giai đoạn thời chiến này, công ty sẽ chiến đấu bằng vũ khí gì. Vũ khí sống còn được vị đại diện FPT ví như xe tăng trong trận chiến chính là chuyển đối số và đầu tư cho công nghệ, phát triển Big Data, AI và IoT. Tầm nhìn này của ông Trương Gia Bình đã được thể hiện chi tiết hơn qua hai phần trình bày của ông Trần Huy Bảo Giang – Giám đốc Chuyển đổi số FPT và ông Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ FPT về hành trình chuyển đổi số của FPT cũng như hàng loạt sản phẩm số ứng dụng trong hoạt động của doanh nghiệp do tập đoàn này phát triển.

Ông Lê Hồng Việt nói về hành trình chuyển đổi số của FPT trước các khách mời.  

Ông Lê Hồng Việt nói về hành trình chuyển đổi số của FPT trước các khách mời.  

Ông Giang phân tích, có 4 nhóm khủng hoảng mà DN toàn cầu phải đối mặt, đó là Mất cân bằng cung cầu toàn diện; Suy giảm thanh khoản và khủng hoảng tài chính; Đứt gãy chuỗi cung ứng và Biến đổi môi trường làm việc. Và  một trong những lời giải mà FPT đưa ra để doanh nghiệp thích nghi, vượt qua các nhóm khủng hoảng này đó là cần thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh thời chiến và Phương pháp luận FPT Digital Kaizen® “thời chiến” sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trước diễn biến bất ngờ, phức tạp; quản trị, ra quyết định một cách hiệu quả nhất. Doanh nghiệp và đối tác chuyển đổi số như FPT có thể cử ra những chuyên gia cấp cao nhất, cùng làm việc trong “phòng tác chiến”, cùng phân tích, dự báo thường xuyên và nhanh chóng đưa ra lời giải đúng cho những vấn đề nguy cấp nhất. Cuối cùng là sử dụng kho sản phẩm, giải pháp công nghệ sẵn có hoặc tạo ra giải pháp mới trong thời gian ngắn chỉ một vài tuần, thậm chí vài ngày. Ông Giang chia sẻ thêm, FPT đã đẩy mạnh chuyển đổi số sâu rộng trong toàn tập đoàn nên khi Covid xảy ra, FPT đã có 1 nền tảng tốt để ứng phó và rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với mọi doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại diện từ FPT cũng giới thiệu hàng loạt giải pháp công nghệ “giúp doanh nghiệp gạt đi những nỗi lo trong tiếp thị bán hàng, sản xuất cung ứng, tài chính và thanh khoản và năng suất lao động” như Nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, Nền tảng tự động hoá quy trình nghiệp vụ akaBot, Nền tảng blockchain giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu suất akaChain, Hoá đơn điện tử FPT.eInvoice…Thực tế, bộ giải pháp có thể giúp tăng đến 80% năng suất, tiết kiệm đến 60% chi phí, tiết kiệm đến 90% thời gian. Theo ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, bộ giải pháp của FPT giúp DN đảm bảo kinh doanh liên tục, phục hồi, bứt phá trong bình thường mới với ba nguyên lý: không mất chi phí đầu tư ban đầu – cung cấp theo hướng dịch vụ; thời gian triển khai chỉ mất 2-3 tuần; đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, mọi lúc mọi nơi.

Là một trong những tập đoàn nhận được nhiều lợi ích của hoạt động chuyển đổi số, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như kết quả mà tập đoàn này có được trong giai đoạn Covid-19. Ông  Lê Trí Thông cho biết, từ 2 năm trước, tập đoàn đã thực hiện hàng loạt hoạt động tái cấu trúc và lên các kế hoạch tầm nhìn đến năm 2025, một trong số đó là từ sản xuất đến bán lẻ phải là sự kết hợp của chuyển đổi số, đây cũng chính là động cơ dự phòng của PNJ.

Vị đại diện này cho biết, trong giai đoạn cách ly xã hội, các cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa, PNJ đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử giúp công ty vẫn có được 50% doanh số.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Gelexemco. 

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Gelexemco. 

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Geleximco và cũng là Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ khóa 1 chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn, có 3 vấn đề mà công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp giải quyết, một là quản trị, hai là sản phẩm và ba là thị trường. Và cả ba vấn đề này, các giải pháp chuyển đổi số của FPT đều có thể hỗ trợ một cách hiệu quả.

Kết thúc chương trình, ông Trương Gia Bình đưa ra đề xuất các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ nên ngồi lại với nhau thành lập các liên minh quân sự để sống sót, phục hồi và bứt phá sau Covid-19.

Phạm An