Có hay không chuyện VETC “đì” Viettel trong dịch vụ thu phí tự động?

Năm lần, bảy lượt không qua trạm

Anh P.V.H (Hà Nội) cho biết, do thường xuyên phải đi công tác Hải Phòng nên lựa chọn tuyến đường cao tốc 5B và dịch vụ thu phí tự động không dừng ePass của Viettel.

Nhiều khách hàng sử dụng ePass phản ánh gặp khó khăn đi qua trạm trên cao tốc 5B (Hà Nội – Hải Phòng). Ảnh: CAND.

Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, dù đã thử rất nhiều lần nhưng anh H vẫn không qua trạm thành công với dịch vụ mới này. Cụ thể, trong tháng 3, anh H có 6 lần đi trên cao tốc 5B. Cả 6 lần khi di chuyển xe vào làn thu phí tự động (ETC), barie đều không mở dù trong tải khoản còn 1 triệu đồng.
Anh H cho hay, cả 6 lần anh đều phải dừng lại lấy vé cứng, đồng thời được nhân viên trạm BOT tại đây cho hay “Hệ thống liên kết giữa VETC và Viettel đang lỗi”. Để xác minh việc này, anh H đã trực tiếp gọi lên tổng đài của ePass và được khẳng định “không có lỗi gì”.
Nhưng theo anh H, không phải sự cố kể trên xảy ra ở tất cả cao tốc. “Hai lần tôi đi thử qua cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình thì lại ngon ơ. Xe đi gần tới trạm là barie đã mở, tài khoản thông báo trừ tiền. Không hiểu vì lý do gì cao tốc 5B lại bị lỗi như vậy”. Anh H đặt câu hỏi, phải chăng VETC đang “đì” dịch vụ sinh sau, đẻ muộn ePass của Viettel?
Anh H cho biết, anh cũng giới thiệu dịch vụ này trong công ty nên đã có khoảng 20 xe ô tô được nhân viên Viettel đến tận nơi dán thẻ Etag. Sau thời gian ngắn sử dụng, rất nhiều người trong số đó cũng cho biết đều gặp khó khi qua “ải” BOT cao tốc 5B.
Anh T, một khách hàng khác của ePass cũng cho hay, đã từng bị nhân viên tại trạm BOT trên cao tốc 5B yêu cầu lùi xe, vòng qua làn khác để lấy vé cứng. Anh T khẳng định, trong tài khoản ePass đã nạp tiền, đi đúng tốc độ cho phép dù vậy barie vẫn không mở. Khi thắc mắc tại đây, anh T vẫn nhận được câu hỏi là đang bị “lỗi hệ thống”.

Viettel, VETC nói gì?

Để đi tìm lời giải cho sự hoài nghi này, chúng tôi đã liên hệ bộ phận truyền thông của Viettel và VETC.

Dịch vụ dán thẻ Etag của tại nhà của Viettel hoàn toàn miễn phí. Ảnh: CAND.

Đại diện truyền thông của Viettel cho hay: Tập đoàn đã đầu tư dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO). Quy mô đầu tư: Triển khai tại 33 trạm thu phí trên toàn quốc theo công nghệ RFID bao gồm: Hệ thống thiết bị, hạ tầng CNTT, phần mềm, vận hành và tổ chức thu phí. Tổng mức đầu tư trong 26 năm (2020 – 2045) là trên 1,2 nghìn tỷ đồng.
Ngày 01/12/2020, triển khai dán thẻ và mở tài khoản giao thông thử nghiệm tại một số tỉnh, là bước đệm cho giai đoạn khai trương bùng nổ. Ngày 29/12/2020, hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 (sau đây gọi tắt là Hệ thống thu phí tự động không dừng) đã chính thức được đưa vào vận hành.
Với tổng số 35 trạm thu phí tự động không dừng triển khai trong vòng 6 tháng, Viettel đã góp phần tăng trưởng hơn 80% so với số lượng trạm thu phí không dừng thực hiện trong 4 năm trước đó, nâng tổng số trạm thu phí không dừng trên toàn quốc lên 91 trạm, đạt gần 40% số lượng trạm thu phí trên toàn quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau 3 tháng chính thức triển khai cung cấp thẻ thu phí tự động cho khách hàng trên toàn quốc, đã có gần 500.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ePass, nâng tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động trên toàn quốc từ 26% lên gần 40%.
Bên cạnh những thuận lợi về nguồn lực và công nghệ, Viettel thừa nhận cũng phải đối diện với một số khó khăn nhất định, đặc biệt trong công tác phối hợp giữa các nhà đầu tư BOT, VETC trong việc bàn giao, vận hành hoạt động thu phí tại trạm.
Về dịch vụ ePass, Viettel cho biết, vẫn nhận được một số phản ánh của khách hàng là có 1 số trạm gây khó khăn, bức xúc khi lưu thông qua trạm. Nhân viên trạm thu phí phản ánh VETC và VDTC chưa liên thông, thẻ ePass không sử dụng được…Viettel cho hay, đã liên thông hệ thống từ ngày 25/12/2020 với VETC. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp khách hàng phản ánh dán thẻ ePass không đi qua được trạm của VETC trên 1 số tuyến cao tốc.
Đại diện của Tập đoàn này khẳng định, các lỗi trên xảy ra với tỷ lệ không cao, nguyên nhân chủ yếu là do: Nhân viên các trạm thu phí chưa hiểu rõ về sản phẩm dịch vụ nên có phát ngôn chưa chính xác; Do lỗi đọc thẻ của thiết bị frontend do BOT lắp đặt tại làn thu phí tự động; Do lỗi chủ quan của nhân viên dán thẻ chưa đúng dẫn tới thiết bị không nhận diện được như Pháp Vân – Cầu Giẽ, Mỹ Lộc, Liêm Tuyền…
Trong khi đó, đại diện truyền thông của VETC lại cho biết, ngay sau khi Viettel chính thức tham gia vào cung cấp dịch vụ 2 bên đã thực hiện kết nối liên thông giữa 2 hệ thống. Việc này cho phép khách hàng (dán thẻ) của VETC có thể đi qua tất cả các trạm do Viettel triển khai và ngược lại.
“Các bên cũng đã phối hợp, thống nhất các quy trình, nghiệp vụ mở, hủy tài khoản để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo và đáp ứng yêu cầu được lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ của khách hàng”, truyền thông VETC cho hay.
Câu hỏi đặt ra, nếu như giữa VETC và Viettel có sự phối hợp nhịp nhàng như vậy, thì vì sao vẫn có rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ ePass kêu than mỗi lần qua trạm BOT do VETC khai thác trước đó? Nếu lỗi không nằm ở khâu kỹ thuật, vậy những bức xúc của khách hàng phải chăng xuất phải từ chính việc vận hành của con người? Điều này càng làm dấy lên hoài nghi của những người sử dịch dịch vụ ETC rằng, ở đâu đó, vẫn có sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí là “đì” nhau của những ông lớn này…
Thiết nghĩ các đơn vị cần phối hợp, xử lý dứt điểm các vấn đề để triển khai tốt chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, đảm bảo sự thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hạn chế người tiêu dùng suy luận, nghi ngờ về sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp cùng một loại dịch vụ.