Công ty Hà Đô và Châu An tranh chấp: Cần xem lại tính pháp lý trong hợp đồng giao thầu

Tranh chấp từ bản hợp đồng giao thầu

Liên quan tới vụ ”Tranh chấp Hợp đồng giao thầu” giữa Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ thể thao Châu An (Công ty Châu An) và Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Công ty Hà Đô), theo Bản án sơ thẩm số 28/2019/KDTM-ST ngày 08/10/2019 về việc “Tranh chấp Hợp đồng giao thầu” của TAND quận Ba Đình, TP. Hà Nội, Công ty Hà Đô trình bày: Thời điểm năm 2011 trong khi chờ các thủ tục phê duyệt của TP. Hà Nội, nhằm tránh lãng phí khi chưa sử dụng đất, Công ty Hà Đô đã xây dựng 05 sân tennis và 01 nhà điều hành sân tennis tại lô CC3 nhằm mục đích phục vụ cho công nhân viên Công ty, dân cư vùng lân cận và để 1.000m2 đất trống dùng xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ.

Sau đó, Công ty Hà Đô cho Hộ kinh doanh Anh Quân (do bà Trịnh Thị Thanh Thúy đại diện – sau đổi thành Công ty Châu An) thầu khoán diện tích trên thông qua Hợp đồng số 10/HĐ-CTHĐ ký kết với Công ty Hà Đô ngày 07/4/2011.

Khu đất CC3 Khu ĐTM Dịch vọng được quy hoạch là đất công cộng.

Diện tích thầu khoán bao gồm 2 hạng mục riêng biệt: 05 sân tennis được xây hoàn chỉnh và nhà điều hành sân tennis (không bao gồm nội thất bên trong) diện tích khoảng 1.000m2 đất trống thuộc khuôn viên ô đất CC3 để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ.

Tại biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 08/10/2019 của TAND quận Ba Đình, đại diện cho Công ty Châu An hỏi Công ty Hà Đô về thẩm quyền xây dựng sân tennis và việc cho thuê diện tích 1.000m2 đất trống (trong Hợp đồng giao thầu khoán đang tranh chấp), Công ty Hà Đô đã trả lời: “Thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng. Bị đơn xây dựng tạm thời 05 sân tennis. Công trình xây tạm theo luật xây dựng không cần xin phép”.

Công ty Châu An cho rằng thực tế 5 sân tennis cùng nhà điều hành không phải là công trình tạm. Việc Công ty Hà Đô tự ý xây dựng công trình sau đó cho Công ty Châu An thầu khoán để thu lợi là không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của Công ty Châu An.

Sau khi TAND quận Cầu Giấy tuyên Công ty Châu An phải trả cho Công ty Hà Đô 14,7 tỉ đồng, Công ty Châu An đã kháng cáo toàn bộ bản án nêu trên.

Sáng 23/12/2020, diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp Hợp đồng giao thầu giữa Công ty Hà Đô và Công ty Châu An.

Tại phiên tòa, Công ty Hà Đô đã một lần nữa khẳng định: 5 sân tennis cùng nhà điều hành là công trình tạm, không cần giấy phép xây dựng. Đồng thời, công nhận Quyết định số 3213/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội ngày 24/5/2004 thì lô đất CC3 (gồm sân tennis và 1000m2 đất trống) là đất dùng để xây dựng công trình công cộng. Thời điểm ký kết Hợp đồng, Quyết định 3213/QĐ-UB vẫn có hiệu lực.

Đại diện Công ty Hà Đô cũng thừa nhận, lô CC3 là đất dùng để xây dựng công trình công cộng và tính tới thời điểm hiện tại vẫn là đất dùng để xây dựng công trình công cộng. Việc xây dựng 05 sân tennis là xây dựng công trình công cộng (nhưng cho Công ty Châu An thuê để thu lợi nhuận).

Đồng thời khẳng định không tiến hành xin phép xây dựng cho 05 sân tennis mà việc xây dựng là làm theo “thông lệ”, nhưng không nêu rõ “thông lệ”‘ nào?, không có giấy phép kinh doanh hoạt động thể thao, không xin phép khi giao thầu cho đối tác.

HĐXX cho rằng, tài sản của Công ty Hà Đô xây dựng trên phần đất CC3 là hợp pháp và không có quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử phạt vi phạm đối với Công ty Hà Đô khi xây dựng cũng như quá trình quản lý, sử dụng các công trình nêu trên.

Cần hủy hợp đồng

Bày tỏ quan điểm liên quan tới vụ án trên, Luật sư Đặng Thị Thu Hương và Luật sư Vũ Anh Tuấn, Công ty Luật TNHH Việt và Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trước hết HĐXX cần xem xét tính hiệu lực của Hợp đồng số 10/HĐ-CTHĐ được ký kết giữa Công ty Hà Đô và Hộ kinh doanh Anh Quân (tức Công ty Châu An) ngày 07/4/2011 đối với việc giao thầu 05 sân tennis và nhà điều hành.

Theo đó, Công ty Hà Đô khẳng định: “Thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng. Bị đơn xây dựng tạm thời 05 sân tennis. Công trình xây tạm theo luật xây dựng không cần xin phép”.

Tuy nhiên, Điều 94 Luật Xây dựng 2003 (đang có hiệu lực tại thời điểm ký hợp đồng) lại không quy định sân tennis và nhà điều hành mà công ty Hà Đô xây dựng thuộc một trong các trường hợp được quy định là công trình tạm. Cả sân tennis và nhà điều hành đều không thuộc trường hợp công trình xây dựng không cần xin giấy phép xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Xây dựng 2003. Do đó, theo Luật sư, việc Công ty Hà Đô xây dựng các công trình trên là xây dựng không phép, trái quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 1 Quyết định số 3213/QĐ-UB về việc thu hồi 216.110m2 đất tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; giao cho công ty Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Từ Liêm để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Dịch Vọng của UBND TP. Hà Nội ngày 24/5/2004 ghi nhận: “10.957m2 đất để xây dựng công trình công cộng là các ô đất có ký hiệu CC1, CC2, CC3, CC3B”. Tuy nhiên, năm 2011 Công ty Hà Đô đã xây dựng trên một phần diện tích lô đất CC3 sân tennis và nhà điều hành với mục đích cho Công ty Châu An thuê nhằm thu lợi nhuận mà không phải sử dụng với mục đích công cộng như quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phiên tòa phúc thẩm sáng 23/12/2020.

Công ty Hà Đô cũng khẳng định không có giấy phép kinh doanh hoạt động thể thao. Luật sư cho biết, căn cứ khoản 2 Điều 55 Luật Thể dục thể thao 2007, Công ty Hà Đô chưa có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ cho thuê, cho nhận thầu khoán đối với 05 sân tennis.

Đối với 1.000m2 đất được nói tới trong Hợp đồng ký kết giữa Công ty Hà Đô và Công ty Châu An, diện tích này cũng nằm trong lô đất CC3. Quyết định số 3213/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội nêu rõ mục đích sử dụng là xây dựng công trình công cộng. Lý do gì Công ty Hà Đô xác định đây là đất để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ và cho Công ty Châu An thuê?.

Theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật số 10/1998/QH10 ngày 02/12/1998 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 1993: Tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền sử dụng đất theo mục đích được giao, không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Do đó, Luật sư cho rằng việc Công ty Hà Đô cho Công ty Châu An thầu khoán đối với 1000m2 đất trống thuộc lô CC3 là vi phạm Luật Đất đai. Công ty Hà Đô không được quyền chuyển nhượng, cho thuê diện tích đất trống lô CC3 và đương nhiên lô đất này cũng không thể là đối tượng của hợp đồng thầu khoán.

Từ những căn cứ kể trên, Luật sư đề nghị tuyên Hợp đồng số 10/HĐ-CTHĐ được ký kết giữa Công ty Hà Đô và Hộ kinh doanh Anh Quân (tức Công ty Châu An) ngày 07/4/2011 đối với việc giao thầu 5 sân tennis, nhà điều hành và 1.000m2 đất trống là vô hiệu và giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu.

Theo Luật sư Việt Nam