Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu không để máy bay ‘đắp chiếu’ quá 1 tháng

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình bảo quản dừng bay.

Theo đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, bảo dưỡng máy bay, số lượng máy bay bảo quản dừng bay tiếp tục tăng cao.
Nhằm giảm thiểu rủi ro do bảo quản dừng bay, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không thực hiện luân chuyển máy bay khai thác, để đảm bảo việc bảo quản dừng bay không quá 1 tháng.

Trường hợp máy bay thực hiện bảo quản dừng bay trên 1 tháng do hỏng hóc, sự cố, không đủ cấu hình, hãng hàng không phải báo cáo Cục Hàng không và được Cục chấp thuận (trừ trường hợp tàu bay thực hiện bảo dưỡng định kỳ).

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu không để máy bay ‘đắp chiếu’ quá 1 tháng.

Các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng thường xuyên theo dõi và cập nhật các quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất về bảo quản dừng bay và phải triệt để tuân thủ.

Các hãng cũng được yêu cầu tăng cường biện pháp kiểm tra, bảo dưỡng trong quá trình bảo quản dừng bay, khắc phục ngay các hiện tượng bất thường.

Cục Hàng không giao Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị bảo dưỡng nghiên cứu, ban hành các biện pháp kiểm tra tăng cường trong quá trình bảo quản dừng bay phù hợp với điều kiện thời tiết và khai thác tại Việt Nam.

Hiện các hãng hàng không thương mại của Việt Nam đang khai thác trên 200 máy bay, nhưng do dịch COVID-19, nên các máy bay chủ yếu khai thác bay chở khách nội địa, một số máy bay được đưa vào khai thác hàng hoá. Một tỉ lệ lớn máy bay hiện nay “đắp chiếu” ở các sân bay và các hãng phải luân phiên khai thác.

Năm 2020, thị trường vận tải hàng không Việt Nam giảm mạnh so với các năm trước, sản lượng điều hành bay ước đạt 424.000 chuyến, giảm 548.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường