Dịch bệnh gieo rắc nỗi sợ lên kinh tế toàn cầu

Dịch Covid-19 xuất hiện ở miền trung Trung Quốc tháng 12 năm ngoái nay đã lan ra 6 lục địa với tốc độ đáng kể. Nó quá giang trên các tàu du lịch ở châu Á, theo chân giáo phái Hàn Quốc và cả những người trượt tuyết trên dãy núi Alps của Pháp.

Nó khiến công việc bị gián đoạn, làm mất đi 6.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán toàn cầu, tạo ra các phản ứng kinh tế tiêu cực và dấy lên những lo ngại có cơ sở về suy thoái nghiêm trọng toàn cầu.

Khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc – một nền kinh tế hội nhập toàn cầu cùng với lượng dân số lớn thường xuyên di chuyển, các thị trường lớn trên thế giới không quá quan tâm đến tin tức này, ngay cả khi Chủ tịch Tập Cận Bình có kế hoạch cách ly kiểm dịch quy mô lớn nhất thời kỳ hiện đại đối với phần lớn tỉnh Hồ Bắc.

Phần lớn thời gian tháng 1 và tháng 2, các nhà phân tích khuyến khích nhà đầu tư mua vào chờ đợi thị trường tăng giá. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn trong vùng tích cực, được hỗ trợ bởi các công ty công nghệ và sự hấp dẫn của cổ phiếu so với lợi suất trái phiếu. Chỉ số S&P 500 đã chạm mức cao mới vào ngày 19/2.

Tất cả đảo lộn khi các trường hợp nhiễm nCoV bắt đầu xuất hiện và tăng vọt ở Italy, Iran, Nhật Bản và Hàn Quốc, có mặt ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số ca nhiễm ở Hàn Quốc đã tăng từ 51 lên hơn 2.000 trong chưa đầy hai tuần. Nhật Bản đóng cửa toàn bộ hệ thống trường học, với khoảng 13 triệu học sinh, trong khoảng một tháng. Arab Saudi đã thực hiện một quyết định hiếm thấy khi đình chỉ các chuyến hành hương tôn giáo đến quốc gia này và hạn chế khách du lịch để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus. Các khu vực có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu như châu Phi cận Sahara và Nam Á cũng đã báo cáo phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh.

Một thông báo ngày 28/2 trên đường cao tốc A43 ở Pháp có nội dung: Nếu có triệu chứng nhiễm nCoV, hãy gọi 15. Ảnh: Zuma Press.

Với một dịch bệnh khó đoán và nhanh chóng lan rộng như vậy, cách đối phó với nó trở nên đau đầu và phức tạp. Nó giống như một phương trình với rất nhiều biến số.

Trước đây, khi dịch Covid-19 chỉ là vấn đề của Trung Quốc, một kịch bản phục hồi kinh tế nghe còn có vẻ hợp lý. Nhưng giờ đây, chuyên gia của Bloomberg, Mohamed A. El-Erian không còn lạc quan như ban đầu rằng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi mà họ đều đánh giá thực tế hơn về mức độ nghiêm trọng.

Dịch Covid-19 đánh vào doanh thu, tỷ suất lợi nhuận và tài sản của các tập đoàn. El-Erian chỉ ra, ba thành phần chính của tổng sản phẩm quốc nội là tiêu thụ, thương mại và đầu tư trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó từ sự lây lan của virus.

Trước khi bùng phát dịch này, năm ngoái, thương mại toàn cầu đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009 vì cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với cuộc suy thoái sản xuất. Bây giờ, nền kinh tế thế giới lại tiếp tục trên đà trở nên tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008, theo các nhà phân tích tại Bank of America Corp. Mức tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,8%, từ mức ước tính 3,1% trước đó, và nền kinh tế thế giới đang hướng đến năm kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng ở mức 5,2%, kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1990.

Dịch bệnh này cũng hoành hành khi thâm hụt tài khoá ở Mỹ, Nhật Bản và phần lớn châu Âu trở nên đáng lo. Các ngân hàng trung ương lớn, ngoại trừ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, không còn nhiều dư địa thực hiện chính sách tiền tệ trong bối cảnh lãi suất âm.

Một lo lắng khác, có khả năng lớn là hệ thống tín dụng toàn cầu đang có dấu hiệu khó khăn. Thị trường trái phiếu quốc tế 2.600 tỷ USD – nơi các công ty lớn nhất thế giới huy động tiền đã bị đóng băng sau khi những người vay đã kéo dài hoặc trì hoãn việc bán nợ theo kế hoạch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả nỗi đau kinh tế này có thể được nhìn theo một cách khác: Đó là cái giá mà thế giới phải trả cho sai lầm khi không cải thiện an ninh sinh học trước hơn 1.500 mầm bệnh mới được phát hiện từ năm 1970. Hãy sẵn sàng cho một năm nguy hiểm.

 Quỳnh Trang (theo Bloomberg)