Doanh nghiệp cần làm gì thời hậu dịch Covid-19

Theo kết quả mới nhất từ khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về dịch Covid-19 được Công ty TNHH PwC Việt Nam (PwC Việt Nam) công bố, 85% các lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát dự kiến doanh thu, lợi nhuận sẽ sụt giảm trong năm nay trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song dù phải đối mặt với thực tế suy giảm về doanh thu, kết quả ghi nhận các công ty đang ngày một chú trọng đảm bảo an toàn và sức khỏe cho nhân viên.

Cùng với việc chuẩn bị trở lại hoạt động, các doanh nghiệp bắt đầu thích nghi với phương thức làm việc mới đồng thời nhận thức rõ hơn về những tác động của đại dịch tới tài chính doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Việc đưa nhân viên trở lại nơi làm việc sẽ không đơn thuần chỉ là mở cửa hoạt động như trước khi xảy ra đại dịch. Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành đều phải đối mặt với những vấn đề khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều cần giải quyết những quan ngại chung như: Doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu, làm sao để bảo đảm an toàn cho nhân viên, việc giao tiếp truyền thông như thế nào cho hiệu quả và làm sao để vươn lên mạnh mẽ hơn… Cùng với việc chuẩn bị trở lại hoạt động, các doanh nghiệp bắt đầu thích nghi với phương thức làm việc mới đồng thời nhận thức rõ hơn về những tác động của đại dịch tới tài chính doanh nghiệp.

Cũng theo khảo sát này, 76% các giám đốc tài chính (Chief Financial Officer – CFO) dự định thay đổi các biện pháp bảo đảm an toàn nơi làm việc, tăng 12% so với kết quả hai tuần trước đó. Chỉ số này cũng phần nào lý giải con số 70% các CFO “rất tự tin” rằng doanh nghiệp có thể thiết lập môi trường làm việc đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Hùng – Phó Tổng giám đốc kiêm lãnh đạo khối doanh nghiệp tư nhân PwC Việt Nam – nhận định: Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất tốt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, nhờ vậy từ cuối tháng 4/2020, Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp bắt đầu thích nghi với hoạt động trong giai đoạn bình thường mới, chúng ta không thể chủ quan.

“Khó có thể biết trước các kế hoạch hoạt động trở lại sẽ cần thay đổi ra sao để đáp ứng những biến động khó lường của thực tế. Vì vậy nếu chủ động cân nhắc những biện pháp ứng phó khác nhau, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi thế nhất định”, ông Hoàng Hùng nhấn mạnh.

Việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo – giai đoạn bình thường mới và hồi phục – đòi hỏi các công ty phải nắm bắt những giải pháp tối ưu để đảm bảo an toàn bền vững nơi làm việc. Đặc biệt, PwC Việt Nam nhấn mạnh, lãnh đạo các doanh nghiệp có vai trò quyết định trong việc định hướng đưa doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này và vươn lên phục hồi sau khủng hoảng.

Xác định đội ngũ những cá nhân chủ chốt để xây dựng, tạo điều kiện cho chiến lược đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động một cách toàn diện. Đội ngũ chuyên trách này sẽ dẫn dắt, theo sát quá trình thực hiện chiến lược này của các bộ phận trong doanh nghiệp. Việc đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động là vấn đề phức tạp và cần được cân nhắc dựa trên 4 yếu tố then chốt sau: Sức khỏe và an toàn; loại hình công việc (trình tự); tài chính (chi phí & doanh thu); nhu cầu/nguyện vọng của nhân viên.

Ấn phẩm này đồng thời phân tích về các chiến lược trung và dài hạn cho doanh nghiệp xoay quanh: Cơ sở kinh doanh và thuế, quản lý lực lượng lao động và nhà cung cấp, làm việc online hoặc từ xa và chuỗi cung ứng.

Theo Thanh Huyền/Báo Công Thương Điện Tử