Doanh nghiệp cật lực trữ tiền mặt trong đại dịch

Để đối phó với sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 trên toàn thế giới, các nhà bán lẻ đã đóng cửa hàng. Các công ty trong nhiều lĩnh vực khác đã cho nhân viên làm việc tại nhà. Các nhà sản xuất đóng cửa nhà máy. Các chủ khách sạn bắt đầu sa thải nhân viên. Nhiều chính phủ đã áp đặt giới hạn với những cuộc tụ tập quy mô lớn để tránh lây lan dịch bệnh. Từ châu Âu đến Mỹ, nhiều công ty bắt đầu công bố cắt giảm chi phí, dừng mua lại cổ phần hoặc cắt giảm cổ tức và đề nghị các ngân hàng gia hạn khoản vay.

Ford cho biết hôm 19/3 rằng họ đang ngừng trả cổ tức để cố gắng bảo toàn số tiền mặt đang cạn kiệt. Nhà khai khoáng khổng lồ Freeport-McMoRan tuyên bố hôm 23/3 sẽ cắt giảm cổ tức. Các nhà phân tích dự đoán một số công ty khai thác cũng sẽ nối bước.

Một số nhà bán lẻ ở Mỹ, bị giảm doanh thu sau khi đóng cửa hàng, đã đi vay hết hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp. Vào thứ sáu (20/3), Macy đã vay thêm trong 1,5 tỷ USD hạn mức được cấp và dừng chia cổ tức hàng quý. Vào thứ bảy (22/3), Best Buy cũng vay hết toàn bộ hạn mức 1,25 tỷ USD và dừng mua lại cổ phần. Tương tự, AT&T cũng đã dừng mua lại cổ phần để bảo toàn tiền mặt. Trong khi đó, General Electric cho biết sẽ cắt giảm 10% nhân viên mảng công nghiệp hàng không tại Mỹ.

Các bồn chứa dầu của hãng Enbridge tại Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters

Các bồn chứa dầu của hãng Enbridge tại Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters

Giá dầu đã giảm một nửa trong vài tuần trở lại đây do tác động kép từ nhu cầu giảm lúc đại dịch và Saudi Arabia tăng nguồn cung. Điều này khiến các công ty dầu mỏ bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, Covid-19 cũng phá hủy ngành công nghiệp hàng không, với việc nhiều hãng hàng không giảm mạnh công suất và trì hoãn đặt hàng máy bay mới.

Occidental Petroleum đã cắt giảm cổ tức vào đầu tháng này. Trong khi đó, Total dùng 5 tỷ USD tiền tiết kiệm và vay thêm khoản 4 tỷ USD để bù đắp khoản thiếu hụt 9 tỷ USD dự kiến do giá dầu thấp hơn. Giá dầu thấp đang giúp ngành này đáp ứng yêu cầu về vốn lưu động, nhưng chính điều đó cũng làm tổn hại lợi nhuận của họ.

Shell đã dừng chương trình mua lại cổ phần trị giá 25 tỷ USD và cho biết hãng có kế hoạch cắt giảm chi tiêu để tăng cân đối tài chính. Các hoạt động đầu tư đã giảm 20%, xuống còn 20 tỷ USD.

“Sự kết hợp giữa nhu cầu dầu giảm mạnh và nguồn cung tăng nhanh dường như là chưa có tiền lệ, nhưng Shell đã vượt qua biến động thị trường nhiều lần trong quá khứ”, Ben van Beurden, CEO Shell trấn an. Shell cho biết thanh khoản của họ vẫn mạnh với 20 tỷ USD tiền mặt và 10 tỷ USD hạn mức tín dụng chưa dùng đến.

Trong khi đó, Airbus đành từ bỏ kế hoạch tài chính vạch ra từ đầu năm và tăng hạn mức thấu chi tín dụng của mình lên 10,7 tỷ USD để đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch. Hãng cũng rút lại đề xuất chia cổ tức năm 2019 với số tiền mặt 1,5 tỷ USD và dừng một khoản đóng cho quỹ hưu trí. Trong một tuyên bố hôm thứ hai (23/3), công ty nói đang có 23 tỷ USD thanh khoản.

Phiên An (theo Wall Street Journal)