Doanh nghiệp của bạn đang gặp khó vì Covid-19 ra sao?

Dịch Covid-19 kéo dài và “vượt biên” ra ngoài Trung Quốc, đang gây tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để tham mưu kịp thời cho Thủ tướng về các biện pháp trước mắt và trung hạn, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đang khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp để ghi nhận về những khó khăn do Covid-19.

Nếu là một doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bạn vui lòng tham gia khảo sát tại đây. Kết quả khảo sát sẽ được Ban IV tổng hợp, báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp Chính phủ sắp tới.

Theo các chuyên gia, nguyên liệu và thị trường đang là hai lực cản lớn nhất với các doanh nghiệp. Với nhiều doanh nghiệp sản xuất, số nguyên liệu trữ trong kho chỉ đủ cho chạy máy trong vòng 1 tháng tới. Việc “công xưởng” nguyên liệu Trung Quốc bị đứt đoạn đang khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế, nhưng việc này cũng không dễ.

Trong khi đó thị trường đầu ra lại đang là nỗi đau đầu của các doanh nghiệp. Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam, cũng là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của nước ta. Việc các cửa khẩu ở biên giới tạm thời đóng trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở nước này đã khiến hàng hoá ở cửa khẩu ùn ứ, không thể thông quan.

Đa dạng hoá, mở rộng thị trường xuất khẩu đang là câu chuyện được nhắc tới nhiều nhất ở thời điểm này. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lan rộng ra toàn cầu, khiến việc xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới không mấy dễ dàng. Cạn nguyên liệu để sản xuất và thiếu thị trường để bán sản phẩm trong thời dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Lúc này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để vượt qua khó khăn.

Lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đã giảm, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều khách sạn tại các khu phố cổ ở Hà Nội phải dán thông báo tạm thời đóng cửa hoặc cắt giảm nhân viên để cầm cự qua ngày. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương.

Trước đó, báo cáo đánh giá tác động của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, dệt may, da giày, điện tử, du lịch, khách sạn hay hàng không… là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19. Với ngành du lịch, cơ quan này dự báo có thể thiệt hại tới 5 tỷ USD. 

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng do tác động bởi Covid-19. Theo đó, GDP năm nay chỉ tăng 6,25% nếu dịch bệnh được khống chế trong quý I. Thậm chí mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,96% nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quý II.

Kỳ Duyên