Doanh nghiệp thủy sản chật vật đi qua quý I, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), dịch COVID-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề.

Ước tính trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản giảm gần 20% so với cùng kì năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất, lên tới 40%, sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu (nhập khẩu) trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều, hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch.

Ngoài ra, sau khi dịch COVID-19 bớt căng thẳng tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này có nhu cầu nhập khẩu nhưng khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn.

Cũng theo thống kê của VASEP, lũy kế ba tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỉ USD, giảm 14%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất 31%, chủ yếu do giảm sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm sâu (cá ngừ giảm 13,5%, mực – bạch tuộc giảm 28%).

Được biết, hiện giá tôm và giá cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu.

Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này.

Trong bối cảnh kém tích cực của thị trường chung, kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Doanh nghiệp thủy sản nhọc nhằn đi qua quý I/2020

Tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm đến 98%, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tính đến ngày 31/3/2020, tổng tài sản của ACL là 1.397 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với hồi đầu năm. Lượng hàng tồn kho lên tới gần 721 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và chiếm tới hơn 50% tổng tài sản.

Trước thực trạng kinh doanh khó khăn của quý I, ACL đề ra kế hoạch kinh doanh 2020 một cách thận trọng.

Cụ thể, năm nay, ACL dự tính chỉ đạt 1.350 tỷ đồng doanh thu thuần và 75 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 5% và 53% so với thực hiện của năm ngoái.

Theo nhận định của Công ty, năm 2020 là năm nhiều thách thức đối với thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam, do dịch Covid-19 đã và sẽ còn diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo ACL cho biết sẽ tăng cường tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khai thác nhiều thị trường mới.

Công ty đặt trọng tâm cung cấp cho khách hàng tiềm năng Walmart tại những thị trường khác bên cạnh Mexico và Trung Quốc, đồng thời thâm nhập sâu hơn ở các thị trường khác và đa dạng hóa sản phẩm.

Ngoài ra, ACL sẽ tiếp tục duy trì các thị trường tăng trưởng tốt trong những năm qua như Trung Quốc, châu Mỹ, châu Áx…

Tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), doanh thu thuần quý I/2020 đạt 1.636 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm đến một nửa, chỉ còn 215 tỷ đồng.

Trong quý vừa qua, doanh thu tài chính tăng 79% và các chi phí hoạt động đều giảm so với cùng kỳ, nhưng Công ty không còn khoản lãi liên kết 13 tỷ đồng kỳ trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm 51%, xuống còn 152 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 3, tổng tài sản của VHC đạt 6.440 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với đầu năm.

Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận gần 1.298 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm. Hàng tồn kho và nợ phải trả của VHC lần lượt giảm 5% và 19%, xuống còn gần 1.340 tỷ đồng và 1.411 tỷ đồng.

VHC cho biết, giá bán cá tra giảm và ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 là những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Năm 2020, VHC đưa ra 2 kịch bản. Đối với kịch bản tiêu cực, VHC dự kiến thu về 6.450 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 18% và 68% so với thực hiện năm trước.

Đối với kịch bản tích cực hơn, Công ty đặt chỉ tiêu lãi sau thuế giảm gần 10% so với năm trước. Được biết, đây là lần đầu tiên mà VHC đặt kế hoạch lãi đi lùi kể từ khi niêm yết.

Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ nặng trong quý III và quý IV/2019 khi kết thúc quý I/2020, HVG ghi nhận lỗ gần 254 tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HVG giảm đến 46% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn hơn 729 tỷ đồng.

HVG giải thích, từ tháng 10/2019, sức mua ở hầu hết các thị trường đều giảm mạnh do cung vượt quá cầu.

Riêng 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, lượng sản phẩm cá tra nói chung còn tồn ở đây phải mất ít nhất 6 tháng để tiêu thụ hết.

Một doanh nghiệp khác cũng bị giảm mạnh lợi nhuận là Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (AAM), chỉ đạt 666 triệu đồng trong quý I, giảm 79% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu AAM chia sẻ là do doanh thu xuất khẩu sụt giảm mạnh. Theo AAM, cá tra là mặt hàng chiến lược của ngành thủy sản, nhưng lại bị rào cản kinh tế kỹ thuật ngày càng khắt khe, tình hình cạnh tranh giữa các đơn vị cùng ngành và giá bán có xu hướng giảm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Do đó, năm 2020, lãnh đạo AAM đặt kế hoạch doanh thu 220 tỷ đồng, bằng với năm 2019 và lợi nhuận trước thuế đạt 6 tỷ đồng, giảm 25%.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ