Doanh nghiệp Trung Quốc vừa sản xuất trở lại vừa lo

Chỉ một tháng trước, Lau rất lo lắng về việc có thể lỡ hẹn giao hàng cho khách tại Mỹ khi không thể mở cửa lại nhà máy tấm ốp nhôm ở thành phố Đông Quan, phía Nam Trung Quốc vì Covid-19. Tuy nhiên, khi 80% nhân viên đã trở lại làm việc, mối lo của Lau lúc này lại chuyển thành không nhận đủ đơn đặt hàng để trả lương cho họ.

Đây cũng là vấn đề nan giải với nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc khi quốc gia này kiểm soát được đại dịch và Bắc Kinh yêu cầu các công ty tái sản xuất. Nhưng cũng đúng lúc này, các thị trường trọng điểm của họ lại bắt đầu bị Covid-19 tàn phá.

Với trường hợp của Lau, công ty ông xuất khẩu đến 40% sản phẩm sang Mỹ – nơi các ca nhiễm hiện tăng gấp 10 lần so với một tuần trước, lên hơn 32.000 người. Việc này khiến số lượng các doanh nghiệp Mỹ dừng sản xuất ngày càng  tăng.

“Kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng dài hạn. Điều này sẽ tác động tới các đơn đặt hàng vật liệu xây dựng”, Lau nói. Ông cho rằng dự án của các chính phủ và bất động sản trên toàn cầu sẽ chậm lại trong vài tháng tới. Công ty ông cũng chưa nhận được đơn hàng mới từ khi sản xuất trở lại từ cuối tháng 2.

Công nhân đeo khẩu trang làm việc trong một nhà máy điện tử ở tỉnh Thẩm Tây (Trung Quốc) hôm 4/3. Ảnh: AP

Công nhân đeo khẩu trang làm việc trong một nhà máy điện tử ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) hôm 4/3. Ảnh: AP

Theo Nikkei, nền kinh tế lớn nhất châu Á đã trở lại hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đang chật vật tìm kiếm khách hàng như ông Lau, triển vọng không thể màu hồng như Bắc Kinh mong muốn.

“Chúng tôi sẽ giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay từ 5,4% xuống 2,1%, do sản xuất bị gián đoạn trong thời gian dài và nhu cầu trên toàn cầu suy yếu vì Covid-19 lan rộng”, Wang Dan, chuyên gia phân tích tại Economist Intelligence Unit cho biết.

Năm 2019, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 17.200 tỷ nhân dân tệ hàng hóa và dịch vụ, chiếm 17,4% tổng GDP. Tuy nhiên, bốn thị trường hàng đầu của quốc gia này gồm Mỹ, EU, Đông Nam Á và Nhật Bản đang vật lộn ngăn sự lây lan của dịch bệnh. Một số khu vực thì đã phong tỏa hoàn toàn.

Wang tin rằng các khoản trợ cấp lớn của chính phủ Trung Quốc có thể giúp tiêu dùng nội địa và các công ty liên quan tăng trưởng. Nhưng với các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu, lợi ích của chúng là rất nhỏ.  

“Đây là vấn đề của nhu cầu. Giảm thuế và trợ cấp không giúp ích gì nếu các doanh nghiệp không nhận được đơn hàng”, Wang nhận định. Theo bà, tình trạng của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chỉ thực sự cải thiện khi dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc được kiểm soát.

“Ngay cả tháng 6 vẫn là một dự báo rất lạc quan”, chuyên gia này cho hay. Một số khách hàng doanh nghiệp của bà chuyên sản xuất thiết bị điện đang yêu cầu nhân viên chưa trở lại làm việc.

Richard Chan, chủ một nhà máy sản xuất đồ trang trí Giáng sinh ở phía đông thành phố Đông Hoản cho biết phải giảm 20 – 30% lao động năm nay vì nhu cầu sụt giảm. “Gần như tất cả mọi người đang giảm quy mô đơn hàng”, doanh nhân người Hong Kong chia sẻ.

Tệp khách hàng thường xuyên của ông gồm chuỗi siêu thị Anh Tesco và hãng bán lẻ Marks & Spencer đã đặt đơn hàng đồ trang trí ít đi để lấy chỗ cho các vật tư y tế. Thậm chí, các hãng bán lẻ và siêu thị tại Italy chưa có đơn hàng nào trong năm nay.

Ông đã xin chính quyền địa phương giấy phép cho 30 trong số 200 nhân viên làm việc tại nhà máy. Tuy nhiên, ông đang lưỡng lự chưa xin thêm do nhu cầu suy giảm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang gặp khó với vấn đề logistics. “Chúng tôi thấy nhẹ người sau khi được phép hoạt động trở lại từ 13/2. Nhưng lô hàng đầu tiên đã bị kẹt lại một cảng ở Malaysia rồi”, Chen Zhijian – một lãnh đạo của Yige Trading tại Quảng Châu nói.

Chủ các doanh nghiệp vẫn lo đại dịch bùng phát trở lại. “Tôi không dám nghĩ đến hậu quả nếu dịch bùng phát lại”, Ye Zhenqing, nhà sáng lập và CEO của Zhen Qing Eyewear tại Ôn Châu – một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất Trung Quốc vì dịch cho biết. Doanh nghiệp có thâm niên 20 năm làm xuất khẩu cho biết tất cả đơn hàng của công ty ông từ châu Âu đã bị hoãn hoặc hủy.

Trong bối cảnh chủ các doanh nghiệp đang đau đầu với hàng loạt vấn đề, Bắc Kinh lại khẳng định mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Theo Nikkei, Trung Quốc giữa tháng 3 thông báo tỷ lệ sản xuất trở lại đạt trên 90% với các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm hơn 20 triệu nhân dân tệ, trừ tâm dịch Vũ Hán. Bắc Kinh và chính quyền các địa phương cũng đưa ra một loạt ưu đãi như cho vay lãi suất thấp, hoãn nộp bảo hiểm xã hội để giúp doanh nghiệp tái hoạt động.

Tuy nhiên, tham vọng của Bắc Kinh khi muốn đưa ra thông điệp chiến thắng đại dịch đã khiến một số doanh nghiệp và giới chức địa phương cố tình gian lận. Theo một báo cáo của Caixin đầu tháng này, các nhà máy tại một quận ở Hàng Châu đã chạy không tải cả ngày, trong khi văn phòng được yêu cầu bật đèn sáng, máy tính và điều hòa. Việc này nhằm tăng mức tiêu thụ điện – thông số thường được sử dụng làm thước đo để đánh giá tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất trở lại.

Nhân viên vệ sinh một cửa hàng tại Thượng Hải của Tesla, một trong những doanh nghiệp trở lại sản xuất sớm nhất Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nhân viên vệ sinh một cửa hàng tại Thượng Hải của Tesla, một trong những doanh nghiệp trở lại sản xuất sớm nhất Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nikkei cho rằng thúc giục doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng mang đến các rủi ro. Hãng xe điện Mỹ Tesla được giới chức Trung Quốc coi là “công ty gương mẫu” khi vừa vận hành nhà máy Gigafactory ở Thượng Hải vừa áp dụng biện pháp kiềm chế dịch bệnh hiệu quả. Đây một trong những doanh nghiệp trở lại sản xuất sớm nhất Trung Quốc – vào ngày 10/2.

Tuy nhiên, đầu tháng này, Tesla phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội khi khách hàng Trung Quốc phát hiện những chiếc Model 3 họ nhận được sử dụng chip điều khiển hệ thống lái bán tự động phiên bản thấp hơn, thay vì phiên bản mới nhất như công ty này quảng cáo.

Nhà sản xuất xe điện Mỹ đã đổ lỗi cho Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Dù vậy, khách hàng vẫn dọa sẽ kiện Tesla ra tòa.

Khi tình hình ở nước ngoài ngày càng căng thẳng, chủ các doanh nghiệp Trung Quốc phải thích nghi để tồn tại. Với hãng sản xuất kính mắt của Ye, ông phải định hướng từ xuất khẩu sang tiêu thị nội địa. 50 trong số 100 công nhân của Ye đã trở lại nhà máy vào cuối tháng 3 và ông đang chịu áp lực phải thay thế các đơn đặt hàng đã mất từ châu Âu.

“Hiện tại, tôi đang học dùng Tik Tok để bán kính mắt”, Ye nói và thừa nhận đây là một công việc kinh doanh hoàn toàn khác. Đầu tiên, ông phải thay đổi thiết kế để kính vừa vặn với khuôn mặt người châu Á. Tiếp đến, doanh nghiệp này cần giảm chi phí sản xuất khi người Trung Quốc có sức mua kém phương Tây.

Tuy nhiên, điều ông lo lắng nhất vẫn là sự không chắc chắn. Trước đây, là một hãng xuất khẩu, ông phải biết nhu cầu trước khi sản xuất. Còn hiện tại, ông chỉ có thể sản xuất trước và hy vọng khách hàng sẽ mua.

Ông cũng không phải người duy nhất đánh vật với rủi ro này. Giám đốc một hãng cung cấp chính cho Apple và Google nói với Nikkei rằng doanh nghiệp này đang tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao với các thiết bị học trực tuyến và làm việc từ xa. Tuy nhiên, ông không nghĩ nó sẽ tồn tại lâu dài.

“Chẳng có gì chắc chắn về nhu cầu trong tương lai. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là nghĩ về hiện tại, đừng làm gì cho tương lai hết”, ông nói.

Tú Anh (theo Nikkei)