Dược Hậu Giang báo lãi 186 tỷ đồng quý 2, đặt KH thận trọng sau khi về với người Nhật

Dược Hậu Giang báo lãi 186 tỷ đồng quý 2

CTCP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG) công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 với doanh thu thuần giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 820,3 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí giá vốn giảm sâu hơn, đến 25,1% dẫn tới lợi nhuận gộp thu về chỉ giảm chưa đến 5% so với quý 2 năm ngoái, đạt 421,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính trong kỳ giảm được 7,6 tỷ đồng (còn 21,4 tỷ đồng); chi phí bán hàng giảm được 8,4 tỷ đồng (xuống còn 161,6 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm được 12,3 tỷ đồng (còn 71,2 tỷ đồng).

Những yếu tố trên dẫn đến, dù doanh thu trong quý giảm, nhưng lợi nhuận vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2 ghi nhận đạt 185,7 tỷ đồng, tăng 6,3% so với lợi nhuận đạt được quý 2 năm ngoái. EPS đạt 1.366 đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 doanh thu thuần Dược Hậu Giang đạt 1.679 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 402 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, lên gần 363 tỷ đồng. EPS đạt 2.668 đồng.

Năm 2020 Dược Hậu Giang đặt kế hoạch gần như đi ngang với doanh thu 3.866 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý 2, Dược Hậu Giang đã hoàn thành hơn 43% kế hoạch doanh thu và gần 56% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Tính đến hết quý 2/2020, ngoài khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng, Dược Hậu Giang còn có hơn 1.891 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng (tăng 123 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm).

Nợ phải trả tăng gần 340 tỷ đồng so với đầu năm, lên 1.042 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 448 tỷ đồng (tăng 183 tỷ đồng so với đầu năm). Công ty cũng ghi nhận khoản nợ xấu hơn 112 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi gần 60 tỷ đồng – công ty cũng đã trích lập dự phòng hơn 52 tỷ đồng cho khoản này.

Lượng hàng tồn kho đến cuối kỳ đạt 954 tỷ đồng, tăng 227 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó chủ yếu tăng giá trị tồn khi nguyên vật liệu và thành phẩm.

Lý giải về lợi nhuận, Dược Hậu Giang cho biết công ty đã xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh liên tục để ứng phó với dịch bệnh, đồng thời, tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực.

Sau nửa năm, công ty ghi nhận doanh thu 1.679 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận sau thuế 363 tỷ đồng, tăng 17%. Dược Hậu Giang hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến 30/6, công ty ghi nhận 4.297 tỷ đồng tài sản với 45% là tiền và tiền gửi. Hàng tồn kho tăng hơn 31% so với đầu kỳ, đạt 953 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn là 448 tỷ đồng, tăng 69% và không có nợ vay dài hạn.

Dược Hậu Giang đặt kế hoạch thận trọng sau khi về với người Nhật

Chính thức trở thành công ty con của Taisho (1 công ty dược phẩm Nhật Bản nắm giữ 51% cổ phần), Dược Hậu Giang (DHG) trong lần chia sẻ với nhà đầu tư mới đây cho biết sự hỗ trợ từ Taisho sẽ có tác động rõ nét hơn đến diễn biến kinh doanh chỉ bắt đầu từ năm 2022 trở đi.

Riêng năm 2020, ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn với doanh thu giảm 1% (bao gồm mức tăng trưởng 2% của hàng tự sản xuất) và LNTT tăng 1% (so với dự báo tăng trưởng 5% của chúng tôi cho cả doanh thu và LNTT). Theo DHG, Công ty có kế hoạch tái cơ cấu danh mục khách hàng và kiểm soát chặt chẽ vốn lưu động (ví dụ, kiểm soát tốt hơn đối với các khoản phải thu), có thể tạm thời ảnh hưởng đến doanh số.

Quý đầu năm, Công ty ghi nhận khá tích cực đến từ nhu cầu tích trữ trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 và giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn. Trong đó, người tiêu dùng bắt đầu tích trữ hàng hóa thiết yếu vào tháng 2, thúc đẩy các kênh bán nhà thuốc nói chung ghi nhận tăng trưởng khoảng 4% trong quý 1/2020 (so với mức giảm 1% trong cả năm 2019).

Nhu cầu này, cùng với động thái tích trữ của các nhà thuốc, củng cố mức tăng 17% trong doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất của DHG trong kỳ. Lợi nhuận tiếp tục được thúc đẩy bởi giá nguyên liệu đầu vào thuận lợi hơn so với cùng kỳ, giai đoạn mà giá nguyên liệu đầu vào của DHG duy trì ở mức cao do các biện pháp bảo vệ môi trường tại Trung Quốc, dẫn đến gián đoạn trong sản xuất hoạt chất dược phẩm đầu vào (API), Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay.

Trở lại với kế hoạch thận trọng, VCSC nhận định xuất phát từ (1) nhu cầu từ động thái tích trữ diễn ra trong quý 1/2020 dần quay về mức bình thường và (2) triển vọng tăng trưởng khiêm tốn của kênh bán nhà thuốc do tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại Việt Nam gia tăng – thuận lợi cho kênh bán tại bệnh viện – cũng như các quy định chặt chẽ hơn từ Chính phủ liên quan đến việc bán thuốc kê đơn tại các nhà thuốc.

Mặt khác, ban lãnh đạo cũng nhấn mạnh Taisho sẽ hỗ trợ DHG trong xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất cho các công ty thành viên và đối tác của Taisho. Ví dụ, DHG có kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc an thần, tiểu đường, tim mạch và tiêu hóa theo tiêu chuẩn PMDA (tiêu chuẩn thực hành sản xuất dược phẩm của Nhật bản), là 1 trong các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất trên toàn cầu.

DHG kỳ vọng các sản phẩm này sẽ gia tăng đóng góp doanh thu từ 10% trong năm 2019 lên 20-30% trong vài năm tới. Các sản phẩm thuốc này sẽ được xuất khẩu sang các thị trường hiện tại của Taisho cũng như tham gia vào quá trình đấu thầu trong kênh bán bệnh viện tại Việt Nam, vốn là khu vực có mức độ cạnh tranh cao hơn (cụ thế, tiêu chuẩn sản xuất cao hơn). Mặt khác, đóng góp doanh thu từ thuốc kháng sinh và giảm đau sẽ giảm từ 55% trong năm 2019 còn khoảng 30%.

Mộc Diệp(TH)/ Sở hữu trí tuệ