Eurozone chậm chạp trước phép thử Covid-19

Khu vực đồng euro, gồm 19 quốc gia dùng chung loại tiền tệ, đã phải vật lộn để tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2011. Vào thời điểm đó, các quốc gia nặng nợ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp không thể huy động vốn từ thị trường tài chính và đã phải kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức bên ngoài.

Khi ấy, khó khăn tài chính của các nước thành viên đã làm dấy lên mối lo ngại cho tương lai khu vực đồng euro. Các nhà phân tích cho rằng, khối này không được trang bị đầy đủ năng lực đối phó với các cú sốc tài chính và có thể đổ vỡ. Gần một thập kỷ sau, cuộc tranh luận tương tự đã trở lại, khi khu vực đồng euro cùng nhau chống lại đại dịch.

“Khu vực đồng euro có thể tan vỡ”, Karel Lannoo, CEO hãng nghiên cứu CEPS bình luận. Theo ông, cuộc chia tay này, nếu xảy ra, sẽ cực kỳ tốn kém.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng tuyên bố châu Âu đã trở thành trung tâm mới của Covid-19. Hiện tại, các quốc gia như Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ đang mạnh tay phong tỏa để ngăn virus lan rộng. Việc này sẽ kéo theo hậu quả lớn về kinh tế.

Khu vực đồng euro chưa có gói cứu trọ nào chung rõ ràng trước Covid-19. Ảnh: Pixabay

Khu vực đồng euro chưa có gói cứu trợ nào chung rõ ràng trước Covid-19. Ảnh: Pixabay

Chính sách tài khóa chậm trễ

CNBC cho rằng khu vực đồng euro đến nay đã thất bại trong việc cung cấp một gói kích thích tài khóa chung, có quy mô khổng lồ, như Mỹ. Đầu tháng 2/2020, Tổng thống Donald Trump ký một dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD để đối phó dịch bệnh. Nhà Trắng hiện xem xét gói kích thích lên đến 1.000 tỷ USD.

Các nước thành viên của khu vực đồng euro vì thế đang phải tự công bố các chương trình kích thích riêng. Đức sẽ hỗ trợ ít nhất 500 tỷ euro. Tây Ban Nha công bố gói giải cứu trị giá 200 tỷ euro. Italy có kế hoạch quy mô 25 tỷ euro. Còn Pháp cho biết sẽ tung ra 45 tỷ euro để giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp.

Theo chuyên gia Lannoo, khu vực đồng euro cần một chính sách tài khóa chung. Việc này sẽ giúp họ phản ứng nhanh hơn nhiều trong thời kỳ khủng hoảng. “Hãy tận dụng cơ hội này để đưa ra chính sách tài khóa chung trên toàn EU”, ông nói.

Giovanni Di Lieto – Giáo sư tại Đại học Monash (Australia) nói rằng khu vực đồng euro đang gặp “rủi ro lớn” do suy thoái kinh tế đang nhen nhóm. Nó cũng là cái cớ chỉ trích của các chính trị gia có tư tưởng chống khối EU.

Mario Centeno – Chủ tịch của Eurogroup, chuyên điều phối công việc của các bộ trưởng tài chính 19 nước eurozone, thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đòi hỏi phải có hành động nhanh chóng và mang tính điều phối từ khu vực đồng euro. “Đây không phải là năm 2008”, ông so sánh và nói thêm rằng tác động của đại dịch lần này có bản chất khác biệt.

Vấn đề của khu vực đồng euro

19 quốc gia khu vực đồng euro tuân theo các quy tắc chung về chính sách tiền tệ, ban hành bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, chính sách tài khóa của họ vẫn được quyết định ở cấp quốc gia. Điều này nghĩa là có sự khác biệt rõ rệt về nợ công và thâm hụt của chính phủ các nước.

Do đó, các quốc gia có tài khóa thận trọng hơn thường không muốn áp dụng chung chính sách tài khóa với các quốc gia khác, nhất là những nước có xu hướng chi tiêu vượt giới hạn.

Hôm 17/3, các lãnh đạo châu Âu đã tranh luận về khả năng phát hành trái phiếu euro để cung cấp hỗ trợ tài chính trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Trái phiếu euro là một vấn đề rất nhạy cảm. Bởi về mặt kỹ thuật, nó sẽ gộp nợ một số nước, như Italy và Đức, vào cùng một trái phiếu. Vấn đề là các quốc gia có tài chính mạnh thì không muốn liên quan chuyện nợ nần với các quốc gia mắc nợ cao.

“Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ?”, Frederik Ducrozet – chuyên gia kinh tế tại Pictet Wealth Management bình luận. Ông đặt câu hỏi rằng đến khi nào thì các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro mới phát triển được chính sách tài khóa cho khối.

Mario Centeno thì không muốn bình luận về ý tưởng trái phiếu euro, nhưng nói rằng sẽ có những công cụ mới để ngăn chặn tác động của Covid-19. “Chúng tôi có nhiệm vụ làm việc với các bộ trưởng tài chính, Ủy ban châu Âu, ECB và ESM (Cơ chế Bình ổn châu Âu) để có phương án mới đối phó với cuộc khủng hoảng này, thông qua nhiều khía cạnh”, ông nói.

Phiên An (theo CNBC)