Gánh nặng mang tên ‘thiếu tiền’, Hanoimilk hẩm hiu đến khi nào?

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, 20 triệu cổ phiếu HNM của Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk), tương đương tổng giá trị theo mệnh giá 200 tỷ đồng sẽ bị hủy niêm yết trên HNX kể từ ngày 12/06/2020.

Trước đó, cổ phiếu HNM đã nhiều lần bị tạm dừng giao dịch. Gần đây nhất là quyết định tạm ngừng giao dịch từ ngày 7/10/2019, do công ty không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị đưa vào diện bị kiểm soát và tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diên bị kiểm soát.

“Thiếu tiền” là nguyên nhân của mọi vấn đề

Sự bết bát trong kinh doanh của Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) bắt nguồn từ sự trì trệ trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển. Hanoimilk từ lâu đã có ý định nâng cấp các nhà máy sản xuất sữa nước và sữa chua, đồng thời tăng cơ cấu doanh thu sữa chua theo xu hướng thị trường.

Công ty cũng muốn đầu tư dự án trồng cỏ chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại Mê Linh, Hà Nội. Để thực hiện được những kế hoạch này, Hanoimolk cần khoảng 500 tỷ đồng. Mọi thứ đã được lên kế hoạch từ năm 2016 nhưng đến nay Hanoimilk chưa hoàn thành được phần nào.

Mấu chốt của vấn đề là vốn. Hanoimilk muốn phát hành khoảng 300 tỷ đồng cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá ít nhất bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Nhưng giá cổ phiếu HNM nhiều năm qua chưa khi nào “ngoi” lên được mức trên, nên không bán được.

Về kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, ông Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hanoimilk cam kết, nếu không ai mua ông sẽ mua một nửa. Nhưng từ năm 2016 đến nay, không ai mua cũng không thấy ông Tuấn mua, khiến cổ đông nóng ruột.

Việc thiếu tiền cũng là nguyên nhân mà ban lãnh đạo Hanoimilk đưa ra để lý giải cho chuyện kinh doanh thua lỗ. Ban lãnh đạo công ty cho rằng, thiếu tiền làm marketing nên doanh thu giảm. Nhưng thực tế đây không phải là nguyên nhân. Trong năm 2018, khi chi phí bán hàng giảm, công ty vẫn có lợi nhuận. Trong khi dù chi cho bán hàng cao trong năm 2017, Hanoimilk lại lỗ. Khoản quyết định lãi lỗ của doanh nghiệp này là chi phí quản lý doanh nghiệp.

Theo một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp về kinh doanh, điểm yếu của Hanoimilk là không có vùng nguyên liệu riêng, khiến giá vốn cao hơn doanh nghiệp cùng ngành. Ngoài ra, mấu chốt khiến Hanoimilk chao đảo nằm ở cơ cấu cổ đông. Hiện Hanoimilk không có cổ đông nào nắm cổ phần đến mức quyết định hoặc chi phối. Chiến lược phát triển dù được vạch ra cũng khó rõ ràng do không có ai “cầm trịch”. Nếu tình trạng này vẫn còn kéo dài, việc Hanoimilk tiếp tục lỗ cũng là điều dễ đoán.

Ngập trong thua lỗ kể từ 2008

Kể từ cuộc khủng hoảng mang tên melamine hồi năm 2008, Hanoimilk bắt đầu sa sút. Giai đoạn từ 2015 đến nay, chưa năm nào Hanoimilk hoàn thành kế hoạch kinh doanh, thậm chí có năm ghi nhận thua lỗ nặng.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, Hanoimilk ghi nhận lỗ 11,4 tỷ đồng (theo báo cáo tự lập). Kết thúc năm 2019 (cũng theo báo cáo tự lập), công ty ghi nhận doanh thu 169,83 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,44 tỷ đồng, hoàn thành 70,18% và 60% các mục tiêu cả năm (doanh thu 242 tỷ đồng, lợi nhuận 2,4 tỷ đồng).

Trên thị trường, cổ phiếu HNM chính thức niêm yết trên sàn HNX từ cuối tháng 12/2006 với giá tham chiếu ngày chào sàn 61.000 đồng/cổ phiếu và đã rơi xuống mức giá 4.500 đồng/cổ phiếu trước khi tạm ngừng giao dịch ngày 7/10/2019.

Thực trạng kinh doanh sa sút, kém hiệu quả, áp lực nợ phải trả đang đè nặng lên Hanoimilk. Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, nợ phải trả của Công ty là 326 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 185 tỷ đồng.

Bị bỏ lại rất xa sau cú sốc 2008, Hanoimilk đang chật vật tìm cách rút ngắn khoảng cách với các thương hiệu khác bằng việc phát triển thương hiệu sữa Izzi thành sản phẩm sữa hàng đầu dành cho trẻ em.

Về đầu tư, Hanoimilk quyết tâm thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại huyện Mê Linh, Hà Nội để cung cấp nguồn sữa tươi tự nhiên chất lượng cao cho sản xuất sữa chua ăn và phát triển dòng sản phẩm sữa tươi organic. HNM cũng xác định tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ASEAN, hợp tác gia công sản xuất cho các đối tác trong nước và quốc tế. Ngoài ra, sẽ triển khai dự án đổi mới công nghệ, tăng công suất nhà máy để phục vụ bán hàng trong nước, gia công, xuất khẩu.

Tuy nhiên, chưa biết những kế hoạch này sẽ được Hanoimilk triển khai như thế nào, nhưng với việc cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, cổ đông, thị trường đã cạn kiệt niềm tin vào Công ty. Một khi không có sự đồng thuận, ủng hộ của cổ đông, đường về của Hanomilk thêm mịt mờ.

Trong khi ở thời kỳ đỉnh cao, Hanoimilk mỗi năm mang về trên 300 tỷ đồng, nhưng 5 năm gần nhất, quy mô doanh thu đã giảm chỉ còn hơn một nửa. Dù đã cắt giảm hàng loạt các khoản chi phí, song lợi nhuận cũng chỉ loanh quanh mốc vài tỷ đồng mỗi năm. So với những doanh nghiệp sữa top đầu thị trường, con số này chưa bằng phần lẻ.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ