Giá vàng trong nước liên tục biến động

Ngay khi mở cửa ngày, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở 46,1 – 46,9 triệu đồng, tăng 300.000 đồng chiều bán và 50.000 đồng chiều mua so với chốt ngày hôm qua.

Nửa tiếng sau, giá bán được doanh nghiệp này giảm về lại 46,6 triệu đồng, còn mua vào giữ nguyên. Tuy nhiên, đến 10h, giá bán vọt lên lại 46,75 triệu rồi lại nhanh chóng quay đầu về 46,5 triệu đồng lúc 10h35. Giá thu mua vẫn được doanh nghiệp niêm yết 46,1 triệu đồng. Biên độ mua bán duy trì quanh 400.000 đồng một lượng.

Trong ngày hôm qua, giá vàng SJC cũng liên tục biến động khi tăng vào buổi sáng, giảm buổi trưa và đi lên lại khi chốt ngày. 

Người dân mua vàng ngày Thần Tài tại TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh.

Sự đảo chiều liên tục của giá vàng SJC diễn ra trong bối cảnh thị trường thế giới đang đi lên. Mở cửa ngày 27/2, giá vàng giao dịch tại phiên châu Á lúc 10h30 tăng hơn 6 USD, lên 1.647 USD mỗi ounce. Trước đó, chốt phiên Mỹ tối 26/2, mỗi ounce cũng đã tăng 6 USD. 

Các chuyên gia cho rằng, sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 cùng động thái tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ của một loạt quốc gia trên thế giới vẫn là nguyên nhân chính hỗ trợ giá vàng tăng. 

Theo đó, sự lây lan của nCoV ở bên ngoài Trung Quốc và tác động của nó với hoạt động kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng dự báo về việc các ngân hàng trung ương thế giới nới lỏng chính sách. Trong đó, thị trường tiền tệ tương lai của Mỹ đặt cược 100% vào khả năng lãi suất giảm 0,25 điểm % vào cuối tháng 6 tới.

Trong bối cảnh này, vàng vẫn là kênh đầu tư trú ẩn an toàn với nhiều nơi. Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã thực hiện mua vào 6,15 tấn vàng nâng tổng lượng nắm giữ lên 940,09 tấn vàng.

Trên thị trường ngoại hối trong nước, tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước giảm 5 đồng so với hôm qua, xuống còn 23.234 đồng. Cùng lúc, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng giảm mạnh. Cụ thể, Vietcombank đầu ngày hôm nay niêm yết giá mua bán 23.170 – 23.310 đồng, giảm 15 đồng so với phiên trước đó. Các ngân hàng khác có giá tương tự.

Lệ Chi