Hà Nội: Bát nháo cửa hàng buôn bán thuốc tây không kê đơn

Thực trạng kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với các bệnh truyền nhiễm còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật đang là gánh nặng thực sự vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền. Việc kiểm soát các loại bệnh này đã và đang chịu sự tác động bất lợi của sự phát triển và lan truyền tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là tình trạng bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc đang diễn ra tràn lan tại nhiều cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó trầm trọng nhất là bán thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút mà không có chỉ định điều trị của Bác sỹ dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút một cách tùy tiện, không phù hợp với tình trạng bệnh.

Phóng viên: Chúng ta đã có các giải pháp, trong đó là xử phạt các nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, nhưng thực tế vi phạm vẫn tràn lan. Phải chăng việc kiểm tra, xử lý còn hời hợt? Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này?

Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: Các vi phạm về kê đơn kháng sinh không cần thiết, lạm dụng thuốc kháng sinh, dược sĩ bán thuốc kháng sinh không có đơn… được xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính chung. Bộ Y tế đã giao cho Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Đến nay chưa có số liệu tổng hợp báo cáo xử lý vi phạm, tuy nhiên qua khảo sát, những vi phạm thường xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh thuốc và cung ứng thuốc kháng sinh lớn.

Mức xử phạt với các hành vi vi phạm này không cao, chưa đủ sức răn đe, nếu chúng ta muốn làm mạnh hơn, cần phải có chế tài riêng. Ví dụ như cần có chế tài xử lý người cố tình bán thuốc không đơn, nhà thuốc cố tính vi phạm thì phải rút giấy phép… thì mới có tác dụng răn đe, nếu không họ vẫn vi phạm vì lợi ích lớn. Chưa kể cơ quan quản lý đi kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thì việc vi phạm vẫn có thể diễn ra.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt thì vấn đề quan trọng vẫn là nhận thức để thay đổi hành vi. Khi nhận thức đầy đủ thì bác sĩ sẽ hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh cho người bệnh, người bệnh khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo y lệnh của thầy thuốc. Trong chăn nuôi, trồng trọt, các nhà doanh nghiệp cũng nhận thức được lợi bất cập hại, cái được cho mình, nhưng ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường, thì họ phải thay đổi hành vi.

Thêm vào đó chúng ta cũng cần có những quy định về pháp luật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị làm sao để nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo, tập huấn cho thầy thuốc chỉ định thuốc phù hợp. Nhiều thầy thuốc không phải vì lạm dụng đâu, nhưng có thể do năng lực chuyên môn, dẫn đến chuyện sử dụng kháng sinh không đúng. Hiện nay, bệnh viện công lập tuyến trung ương và tuyến tỉnh quản lý bác sĩ kê đơn thuốc tương đối tốt bằng phần mềm, giám sát bằng bệnh án, cơ bản kiểm soát chỉ định thuốc của thầy thuốc, làm giảm sử dụng kháng sinh không phù hợp. Nhưng để giải quyết được vấn đề, theo tôi cần một giải pháp đồng bộ, hy vọng trong tương lai có thể kiểm soát từng bước và kiểm soát tốt kháng kháng sinh ở Việt Nam.