Hà Nội: Hàng hóa dồi dào đủ dùng trong 3 tháng, không lo thiếu

Lượng hàng hóa trong các siêu thị tại Hà Nội vẫn luôn rất dồi dào

Hàng hóa dồi dào đủ dùng trong 3 tháng

Thực tế, tại siêu thị Đức Thành (phố Chính Kinh, Thanh Xuân) cho thấy, lượng hàng hóa rất dồi dào, đặc biệt, các loại mặt hàng thiết yếu như rau, củ quả, hàng tươi sống… luôn được bổ sung ngay mỗi khi kệ hàng vơi đi. Bà Nguyễn Thị Hảo (số 70, Chính Kinh) cho biết, từ hôm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ngày nào bà cũng mua rau tại siêu thị này nhưng chưa khi nào thấy tình trạng hết hàng, có chăng, chỉ một số mặt hàng có hết nhưng sau lại được bổ sung vào ngày hôm sau, vì thế, bà rất tin tưởng không lo thiếu thực phẩm.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị Vinmart, các loại hàng thiết yếu như nước đóng chai, mỳ tôm, rau củ quả cũng rất dồi dào. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây… cũng nhiều hơn và làm việc với các nhà cung ứng để đảm bảo hàng trên kệ không bị trống. Thậm chí, một số mặt hàng vẫn áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu, do nhu cầu thực tế không quá cao như dự báo.

Đai diện hệ thống siêu thị BigC (thuộc Tập đoàn Central Retail) cho biết, đã tăng nguồn cung, trong đó riêng thực phẩm tươi sống tăng gấp đôi, còn thực phẩm khô tăng 30%. Còn hệ thống siêu thị Aeon tại Hà Nội cũng tăng 200-400% lượng hàng thực phẩm tươi sống, 120-130% hàng thực phẩm khô. Việc tăng hàng cho các siêu thị của Aeon tại Hà Nội được chủ động từ cách đây một tuần.

Nhìn chung, do một số chợ truyền thống bị “cấm vận” tạm thời để phục vụ công tác phòng chống dịch nên nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu đổ dồn vào các hệ thống siêu thị bán lẻ. Tuy nhiên, hiện nay thách thức đặt ra là khâu vận chuyển thời gian lưu thông chậm hơn do công tác kiểm dịch ở một số địa phương phải yêu cầu tài xế phải có xét nghiệm Covid – 19, hoặc do giãn cách xã hội nên đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đặc biệt, một số mặt hàng nhập khẩu hoặc vận chuyển từ các tỉnh thành phía Nam đang bị chậm, hoặc tắc nghẽn do hiện có đến 19 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng dịch bệnh.

Hà Nội cam kết lượng hàng hóa đủ dùng trong 3 tháng

Giải pháp hiện nay là các doanh nghiệp, được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước đã xúc tiến thêm nhiều kênh phân phối, nguồn hàng cung cấp khác để tạo thuận lợi cho vận chuyển và nguồn hàng, để chuỗi cung ứng logistics không bị đứt gãy.

Được biết, trong tuần trước Hà Nội đã có chỉ đạo tạo luồng xanh cho vận chuyển hàng mùa dịch. Trên cơ sở này, Sở Công Thương tập hợp, lên danh sách các điểm bán hàng phân phối, xe chở vận chuyển hàng thiết yếu của doanh nghiệp. Danh sách được chuyển sang Sở Giao thông Vận tải, để cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển, nhằm đưa hàng từ vùng sản xuất tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đảm bảo lưu thông thông suốt.

Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, lượng hàng hoá thiết yếu, thực phẩm tươi sống… cung ứng cho thành phố rất dồi dào đủ dùng trong 3 tháng, không lo thiếu hàng.

“Xe buýt siêu thị 0 đồng” phục vụ người lao động

Liên đoàn lao động TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 417/LĐLĐ về việc tổ chức mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” hỗ trợ công nhân lao động (CNLĐ) bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 39/KH-LĐLĐ ngày 21/7/2021 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP Hà Nội về việc “ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19”, căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu hỗ trợ các hàng hóa thiết yếu phục vụ công nhân, người lao động ở các KCN, CCN, các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn TP bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Một “siêu thị 0 đồng” cho người lao động tại Hà Nội

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn Thủ đô, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP đề nghị các Ban Liên đoàn Lao động TP, Công đoàn Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khẩn trương triển khai, thực hiện thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đằng” để hỗ trợ kịp thời đoàn viên, người lao động trên địa bàn TP bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, số lượng dự kiển triển khai từ 1 đến 2 “Xe buýt siêu thị 0 đồng”. Căn cứ diễn biến thực tế của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, trước mắt tổ chức triển khai thí điểm thực hiện trong 10 ngày (triển khai trước 28/7/2021).

Đối tượng hỗ trợ gồm: Đoàn viên, người lao động theo Kế hoạch sổ 39/KH-LĐLĐ; Người lao động bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng địch bệnh Covid-19 ở các doanh nghiệp, KCN, CCN, khu nhà trọ công nhân; ưu tiên hỗ trợ nữ công nhân lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.

Theo Chất lượng Việt Nam Online