Hàng hóa nào được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa?

Quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được nêu tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó, Thông tư đã đưa ra những quy định cụ thể đối với hàng hóa được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ.

Thông tư 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương nêu rõ, điều kiện để miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại, được khai báo đáp ứng quy định tại Thông tư này và không có nghi ngờ về tính xác thực của khai báo đó. Trong trường hợp hàng hóa được gửi qua đường bưu điện, khai báo có thể được thực hiện trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoăc trên một văn bản đính kèm tờ khai hải quan.

Ngoài ra, hàng hóa phải là lô hàng nhập khẩu không thường xuyên, chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng, người đi du lịch hoặc gia đình của người đó không được coi là nhập khẩu theo hình thức thương mại nếu bản chất và số lượng sản phẩm đó có thể là bằng chứng cho thấy sản phẩm không dùng trong mục đích thương mại.

Tổng giá trị hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân và lô hàng nhập khẩu không thường xuyên có tổng giá trị không vượt qua 500 EUR đối với hàng kiện nhỏ hoặc 1.200 EUR với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Liên minh châu Âu. Hoặc tổng giá trị hàng hóa không vượt quá 200 USD đối với trường hợp kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch nhập cảnh vào Việt Nam thì được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa .

Thông tư 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương cũng quy định chung về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo đó, hàng hóa có xuất xứ từ Liên minh châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau: C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) được phát hành theo quy định nêu từ Điều 20-23 của Thông tư này; Chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 24 của Thông tư này do nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Liên minh châu Âu phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ, hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR; Chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử phù hợp với quy định của Liên minh chau Âu và được thông báo với Việt Nam.

Hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam nhập khẩu vào Liên minh châu Âu được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi có một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau: C/O được phát hành theo quy định tại Điều 4 và Điều 20-23 Thông tư này; Chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 25 Thông tư này phát hành bởi nhà xuất khẩu có lô hàng trị giá không quá 6.000 EUR; Chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện hoặc nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu phù hợp quy định của Bộ Công Thương. Đồng thời, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương và áp dụng sau khi Việt Nam có thông báo tới Liên minh châu Âu.

Thông tư số 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể đối với hàng hóa được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ. Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đề quản lý xuất xứ hàng hóa, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây được xem là các căn cứ quan trọng để xác định hàng hóa có hay không có xuất xứ.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP đã đưa ra khái niệm: Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Cũng tại Điều 6 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định hàng hóa có xuất xứ là: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; hoặc hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về cách xác định xuất xứ hàng hóa. Theo đó, hàng hóa xuất nhập khẩu được coi là có xuất xứ không thuần túy nếu đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Các tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa không ưu đãi được quy định tại Điều 6 Thông tư 05/2018/TT-BCT.

Song song với việc hoàn thiện quy định về nội dung, các quy định về chế tài xử phạt đối với vi phạm về xuất xứ cũng được hoàn thiện. Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, lần đầu tiên chế tài xử phạt đối với hành vi xuất nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị tịch thu tang vật vi phạm hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Trong trường hợp tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định, doanh nghiệp còn phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định. Ngoài ra, Nghị định 128/2020/NĐ-CP còn quy định về các trường hợp khai sai xuất xứ. Một số hành vi khai sai về xuất xứ mới được bổ sung so với Nghị định 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP) như: khai sai so với thực tế về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Trường hợp khai sai về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế quy định tại Nghị định này.

Còn tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với hành vi phạm liên quan đến chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Các hành vi vi phạm về xuất xứ quy định tại Điều 44 Nghị định này gồm: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp; cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng quy định hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa là hàng giả (điểm đ khoản 7 Điều 3). Chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa nêu trên được quy định tại Điều 11 Nghị định này.

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là gì?

Giấy chứng nhận xuất xứ (tiếng Anh: Certificate of Origin, thường viết tắt là C/O) là một tài liệu sử dụng trong thương mại quốc tế nhằm xác định quốc gia xuất xứ của hàng hóa. C/O (Certificate of Origin) là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó. C/O phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu theo quy tắc xuất xứ.

Mục đích của C/O là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về Xuất nhập khẩu của cả hai nước: Nhập khẩu và xuất khẩu (hiểu nôm na rằng là đó không phải hàng lậu hay hàng trôi nổi không có nhà sản xuất rõ ràng).

Nếu là chủ hàng nhập khẩu, thì yếu tố quan trọng nhất là C/O hợp lệ sẽ giúp chủ hàng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Phần này có thể chênh lệch vài % đến vài chục %, khiến số tiền thuế giảm được có thể là khá lớn.

Chứng từ C/O có thể không được coi là một chứng từ chính thức, khi nó được chính người xuất khẩu cấp. Thông thường, nước nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu trình chứng nhận xuất xứ do một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng chứng từ chính thức là bắt buộc, ví dụ như đối với vận tải hàng theo Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ hoặc để nhận được ưu đãi thuế quan từ các nước nhập khẩu về việc nhập hàng sản xuất/chế biến từ các nước kém phát triển tới các nước phát triển (thường được gọi là C/O mẫu A hay GSP form A, viết tắt từ Generalized System of Preferences Form A C/O: C/O form A của Hệ thống ưu đãi phổ cập).

Chứng nhận xuất xứ đặc biệt quan trọng trong phân loại hàng hóa theo quy định hải quan của nước nhập khẩu và vì vậy sẽ quyết định thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa. C/O cũng quan trọng cho áp dụng hạn ngạch nhập khẩu và thống kê, đặc biệt là với hàng thực phẩm. C/O cũng có thể quan trọng trong các quy định về an toàn thực phẩm…


Theo Chất lượng Việt Nam Online