Hàng Việt lên ngôi cả về chất lượng và mức tiêu thụ

Nguồn lực phát triển thị trường

Trong bối cảnh, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của thị trường nội địa, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương khắc phục tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển đất nước.

Theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và tăng cường thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo. Qua đó, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng hóa chống dịch đã được sản xuất và phân phối phục vụ đầy đủ nhu cầu của gần 100 triệu người dân trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, ngay trong giai đoạn cách ly toàn xã hội và trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, các hoạt động kích cầu thị trường nội địa vẫn được tiếp tục lồng ghép trong các hoạt động, Chương trình, Đề án triển khai trong năm 2021 của Bộ Công Thương như Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động năm 2021 của Bộ Công Thương, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025, Chương trình Thương mại điện tử quốc gia, chương trình khuyến công quốc gia, các hoạt động quản lý thị trường,…

Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, cạnh tranh tốt với hàng ngoại

Ông Phạm Thanh Mai, Giám đốc Siêu thị Vinmart Quảng Bình cho biết: “Ưu điểm của hàng Việt là có chất lượng ngày càng cao, giá cả phải chăng, có hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm và lựa chọn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, siêu thị đã liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, cung ứng nguồn hàng bảo đảm đầy đủ, phong phú và cam kết mức giá ổn định. Đồng thời, siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích thích sức mua trong mùa dịch, góp phần đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng”.

Đáng chú ý, các mặt hàng trong tỉnh cũng được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn ưu tiên tiêu thụ. Tại các cửa hàng của An Nông Farm có gần 100 mặt hàng nội tỉnh là sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu được bày bán và được người tiêu dùng tin dùng, như: nước mắm Xuân Hồng, bánh tráng Tân An, nấm Tuấn Linh, miến Sông Son, rau sạch An Nông…

Chị Trần Thị Ái, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đang rất cần sự “tiếp sức” của người tiêu dùng Việt nên gia đình chị luôn ưu tiên sử dụng hàng Việt mỗi ngày. Mặt khác, hàng Việt Nam chất lượng cũng tốt, giá cả phải chăng, hợp với nhu cầu, sở thích của gia đình.

Bà Lý Thị Mỹ Hiền ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết mỗi tuần chị đến siêu thị (ST) 2 lần, trong giỏ hàng mang về đều là hàng Việt Nam. “Tại ST bây giờ bày bán rất nhiều hàng hóa do doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tôi nhận thấy hàng Việt vẫn bảo đảm chất lượng, nguồn hàng không bị đứt gãy, giá cả vừa túi tiền, đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng (NTD)”, bà Hiền cho biết.

Thực tế cho thấy, tác động của dịch bệnh đã thúc đẩy nhanh sự phát triển mới các thương hiệu Việt. Bà Hồ Trần Mỹ Linh ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, nhận xét trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến giá thành sản phẩm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh tăng cao và còn dẫn đến tình trạng khan hiếm. “Trong lúc đó tôi nhận thấy nhiều DN tại Bình Dương đã tận dụng được thời cơ khi sản xuất nhanh chóng các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh như nước sát khuẩn, khẩu trang… Từ đó, đã đem lại cho người dùng cơ hội sử dụng sản phẩm có chất lượng, giá tốt, bảo vệ an toàn sức khỏe”, bà Linh nói.

Theo đánh giá chung từ các DN bán lẻ trên các địa bàn tỉnh, NTD ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm nhiều đến sự an toàn đối với sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lan rộng. Nắm bắt tâm lý này các DN sản xuất trong nước đã nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành vừa phải, bảo đảm chất lượng, tiện ích. So với hàng ngoại, hàng Việt có nhiều lợi thế riêng nhờ hiểu được thói quen của NTD trong nước. Từ đó đã giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với các hàng nhập ngoại, NTD tin tưởng, chọn lựa các mặt hàng xuất xứ Việt Nam thay cho hàng ngoại.

Tăng sản lượng tiêu thụ

Nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền, đưa hàng Việt về khu vực công nhân, khu công nghiệp, chương trình bán hàng bình ổn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó là vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước ngày càng cao đã khiến mức tiêu thụ hàng Việt tăng trưởng mạnh. Tại Bình Dương, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong những năm gần đây tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt ngày mỗi tăng, nếu năm 2009 khoảng 80%, đến nay là trên 95%. Cuộc vận động đã có tác động lớn làm thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng hàng Việt của đại đa số NTD.

Mức tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng trưởng mạnh

Ông Phạm Phú Hiển, Giám đốc ST Lottemart Bình Dương, cho biết nhu cầu thực tế của NTD đối với sản phẩm Việt là tương đối lớn, chính vì vậy hệ thống ST Lotte đang có những hỗ trợ tích cực trong việc trưng bày, giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của DN Việt. “Điều này đòi hỏi các DN trong nước cần tiếp tục thích nghi, cập nhật thường xuyên thị hiếu của khách hàng. Đồng thời, DN cần chú trọng nâng cao hàm lượng xanh, sạch, an toàn trong sản xuất và phân phối để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD”. ông Hiển nói.