Hết hợp đồng, FiinRatings ngừng xếp hạng tín nhiệm Bamboo Capital

Hiện hoạt động xếp hạng tín nhiệm chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Trước kia các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu được xếp hạng tín nhiệm bởi S&P và Moody’s theo thang điểm xếp hạng quốc tế và chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp có tham gia thị trường nợ quốc tế và các ngân hàng thương mại.

Theo quy định hiện nay tại Việt Nam, các công ty đăng ký tham gia xếp hạng tín nhiệm và công bố kết quả đều là mang tính tự nguyện mặc dù Nghị định 65 về trái phiếu phát hành riêng lẻ vừa ban hành có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp.

Kinh tế - Hết hợp đồng, FiinRatings ngừng xếp hạng tín nhiệm Bamboo Capital

Theo giới phân tích, việc công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm từ một tổ chức uy tín sẽ giúp doanh nghiệp chủ động minh bạch thông tin, qua đó nhằm góp phần thu hút tốt hơn các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu. Khi thông tin minh bạch với các chỉ số rõ ràng, khả quan, doanh nghiệp có khả năng thương lượng mức lãi suất phù hợp khi tham gia huy động nguồn vốn xã hội cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Việc một tổ chức xếp hạng tín nhiệm công bố ngừng xếp hạng tín nhiệm với một doanh nghiệp là sự kiện chưa có nhiều thông lệ trên thị trường tài chính Việt Nam, nhưng về bản chất đây đơn thuần là việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ giữa hai bên sau khi hết thời hạn hợp đồng. Trước đó, FiinRatings đã hai lần công bố và cập nhật kết quả xếp hạng tín nhiệm với Bamboo Capital với mức xếp hạng BB, triển vọng Tích cực (tháng 8/2021) và Ổn định (tháng 6/2022).

Ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinRatings cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao BCG là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia xếp hạng tín nhiệm với FiinRatings nhằm chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn Việt Nam. Thực tế trong quá trình thực hiện xếp hạng tín nhiệm hơn 1 năm qua, ngoài các báo cáo công bố, chúng tôi cũng duy trì kênh trao đổi và trả lời câu hỏi với một số nhà đầu tư vào BCG.

Hiện chúng tôi cũng đã thực hiện xếp hạng lần đầu cho hơn 10 doanh nghiệp và cũng đã có một số doanh nghiệp chủ động ngừng thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Việc tham gia xếp hạng tín nhiệm là dựa trên quan hệ hợp đồng và doanh nghiệp có quyền ngừng thực hiện vì quy định hiện nay là hoàn toàn mang tính tự nguyện”.

“Tôi muốn nhấn mạnh, đó là quan hệ hợp đồng trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp. Khi hợp đồng hết hạn hoặc tùy theo nhu cầu hoạt động kinh doanh của họ thì doanh nghiệp có thể ngừng tham gia xếp hạng. Theo thông lệ quốc tế thì việc ngừng xếp hạng cũng có thể xuất hiện khi doanh nghiệp thay đổi kế hoạch huy động vốn trên thị trường hoặc khi trái phiếu của họ đáo hạn và không còn lưu hành thì xếp hạng tín nhiệm cũng có thể chấm dứt. Do vậy, sự kiện dừng xếp hạng tín nhiệm không nhất thiết là tín hiệu xấu đi hay tốt lên của doanh nghiệp. Đó là một sự kiện bình thường trong quan hệ kinh tế giữa các bên”.

Công bố thông tin dừng xếp hạng tín nhiệm, dù là theo hợp đồng, đã gây ra sự hiểu lầm của một số nhà đầu tư về sức khỏe tài chính doanh nghiệp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, do các nhà đầu tư trên thị trường cũng bắt đầu làm quen với các quy trình xung quanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch BCG cho biết: “Với mong muốn góp phần cung cấp thông tin minh bạch và đầy đủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp ra thị trường, chúng tôi đã tự nguyện phối hợp với FiinRatings thực hiện việc xếp hạng tín dụng trong năm 2021. Sau một năm thực hiện, chúng tôi tạm dừng việc gia hạn hợp đồng xếp hạng tín nhiệm để chuẩn bị cho những giải pháp về cung cấp thông tin ra thị trường một cách tổng thể hơn.”

Một thị trường lành mạnh trước hết phải là một thị trường minh bạch. Nhà đầu tư cần được xây dựng niềm tin trước khi trang bị những kiến thức đầu tư. Tại các thị trường phát triển, các tổ chức xếp hạng lớn như Moody hay S&P vẫn đưa ra các thông báo rất rõ ràng về việc dừng dịch vụ như vậy.”

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết: “Xếp hạng tín nhiệm có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần minh bạch thông tin và khẳng định độc lập về chất lượng tín dụng của doanh nghiệp, cũng như tạo ra một trong những cơ sở đầu vào để thị trường định giá các công cụ nợ và trái phiếu của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này tại Việt Nam còn mới và được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với chiến lược, mục tiêu kinh doanh trong từng thời kỳ. Vì vậy, việc BCG tiên phong trong việc tự nguyện ký hợp đồng thuê dịch vụ xếp hạng tín nhiệm độc lập hay ngừng tham gia hoạt động xếp hạng tín nhiệm với FiinRatings hoặc bất kỳ một tổ chức xếp hạng nào khác là một việc bình thường.”

Ông Kent Wong, Phó tổng giám đốc, trưởng nhóm khối Ngân hàng & Thị trường Vốn công ty Luật VCI Legal, đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Vietnam) nhận định:

“Có rất nhiều lý do giải thích cho việc một công ty cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm kết thúc dịch vụ với đối tác. Bạn có thể hình dung, điều này cũng giống như bạn đang giao dịch tại ngân hàng, nhưng khi bạn ngừng sử dụng dịch vụ tại ngân hàng đó – điều đó đâu có nghĩa là ngân hàng đó sắp phá sản hay gặp khó khăn?”

Trong bối cảnh thị trường hiện tại, ông Kent Wong cho rằng nhiều công ty chọn trì hoãn việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp vì thời điểm trên thị trường và tâm lý nhà đầu tư là rất quan trọng. Đây có thể là một trong những lý do mà không chỉ BCG mà còn nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng có tạm hoãn lại phát hành trái phiếu và chờ đợi tâm lý thị trường ổn định hơn. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc công ty đó gặp vấn đề gì cả.

Nhìn lại những đánh giá tín nhiệm của FiinRatings với BCG, gần đây nhất vào 28/06/2022, BCG cũng đạt triển vọng xếp hạng tín nhiệm loại “Ổn định” (BB rating). Trong thông cáo báo chí, FiinRatings cũng nêu rõ việc dừng thực hiện xếp hạng do hợp đồng xếp hạng đã hết hạn và trên cơ sở đồng thuận giữa hai bên. Do vậy, việc những nghi ngờ về tình hình tài chính của BCG là không có cơ sở.

Nhìn chung, đây có thể coi là sơ suất do hai bên chưa có sự phối hợp đầy đủ gây ra những giả định và tin đồn không đáng có dẫn đến nhiều thông tin tiêu cực trên thị trường.

“Việc ngừng dịch vụ là hoàn toàn bình thường ở các thị trường phát triển khác, và các công ty xếp hạng tín nhiệm như Moody’s hay S&P cũng đều có thông báo rất rõ ràng, không gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư. Có thể thấy, một phần cũng do tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm này còn e ngại sau những lùm xùm liên quan tới kênh trái phiếu doanh nghiệp, nên gây ra hiệu ứng “quả tuyết lăn” (snowball effect) khiến các bên đều bị ảnh hưởng,” ông Kent Wong nhấn mạnh.