Hoàng Huy ẵm đất vàng giá bèo ở các dự án BT: DN hưởng lợi, Nhà nước còn gì?

Định giá đất thấp so với thị trường, DN hưởng lợi
Thời gian gần đây, Hải Phòng liên tục triển khai nhiều dự án cải tạo chung cư dưới hình thức hợp đồng BT.
Đáng chú ý, 3 dự án gồm: đầu tư, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi, Q.Ngô Quyền; cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn TP.Hải Phòng – Công trình Goldenland 5, xây dựng chung cư HH3, HH4 P.Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền (gọi tắt là Dự án HH3, HH4); và dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn TP. Hải Phòng – Công trình Goldenland 5, xây dựng chung cư HH1, HH2 P.Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền.
DN Hoàng Huy hưởng lợi từ việc định giá đất công thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Các dự án BT mà DN này thực hiện đang khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn xung quanh việc trục lợi dự án
Đến ngày 15.5 vừa qua, chung cư HH4 Đồng Quốc Bình, 1 trong 2 toà chung cư thuộc Dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn thành phố, được triển khai dưới hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Dự án BT) đã được khánh thành.
Các hợp đồng BT trên đều có một nhà đầu tư duy nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) trúng thầu.

Ngày 19.11.2019, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản gửi Thủ tướng xin được dùng khu đất vốn là trụ sở cũ của Quận ủy – UBND – HĐND Q.Hồng Bàng (42 Lê Đại Hành, rộng 0,8 ha) và khu đất số 199 Tô Hiệu (từng là Đài PT – TH Hải Phòng, rộng 0,3 ha) để thanh toán hợp đồng BT xây dựng 2 chung cư HH3 – HH4 Đồng Quốc Bình, trị giá 1.668,4 tỉ đồng, cho Công ty Hoàng Huy.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND TP.Hải Phòng cũng có nhắc đến việc trước đó, địa phương này đã dùng khu đất Nhà máy đóng tàu sông Cấm, diện tích 5,1 ha, để thanh toán hợp đồng BT xây dựng chung cư HH3-HH4 này. Tuy nhiên, văn bản cũng ghi rõ: riêng hợp đồng BT xây dựng 2 chung cư HH3-HH4 này, thành phố đã bố trí một quỹ đất gồm 7 khu với tổng diện tích 99 ha để thanh toán cho nhà đầu tư Hoàng Huy.

Cụ thể, ngoài 3 khu đất nêu trên còn có 4 khu đất khác, gồm: các lô đất CH1, CH13, N78 Khu đô thị Hồ Sen – Cầu Rào rộng 2,6 ha; Khu 2A Sở Dầu rộng 1,1 ha; trụ sở cũ Viện KSND TP.Hải Phòng (số 22 Phan Bội Châu, Q.Hồng Bàng) rộng 1,1 ha; và khu đất đối ứng thứ 7 năm tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, H.Thuỷ Nguyên, rộng 88 ha.
Như vậy là chỉ với việc cải tạo lại 2 chung cư trên nền đất đã có sẵn, Công ty Hoàng Huy đã được trả đến 99 ha đất sạch tại những vị trí được coi là đắc địa nhất của TP.Hải Phòng.
Sau khi được TP.Hải Phòng thanh toán 5,1 ha đất tại khu đất Nhà máy đóng tàu sông Cấm, Công ty Hoàng Huy đã nhanh chóng xây dựng ở đây dự án bất động sản Hoàng Huy Riverside gồm dãy nhà ở liền kề và biệt thự hiện đại.
Với vị trí đất vàng như thế, giá nhà ở đây được rao bán khoảng 35 triệu đồng/m2, dao động từ 5-18 tỉ đồng/căn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, khi giao cho chủ đầu tư, Hải Phòng chỉ định giá khu đất này có 194,378 tỉ đồng, tương đương 3,8 triệu đồng/m2.
Việc tài sản công bị định giá thấp hơn hẳn giá thị trường nhiều lần, rồi đem trả cho nhà đầu tư dự án BT hiện đang tiếp tục diễn ra đối với 2 khu đất được coi là ở vị trí “kim cương” của TP.Hải Phòng.
Đó là khu đất trụ sở cũ của UBND Q.Hồng Bàng tại số 42 Lê Đại Hành rộng 0,8 ha, được TP.Hải Phòng tạm định giá là 64,7 tỉ đồng tài sản trên đất và 290,58 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ là 36,32 triệu đồng/m2. Còn khu đất tại số 199 Tô Hiệu được tạm định giá tiền tài sản trên đất là 19,57 tỉ đồng và 65,99 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ xấp xỉ 22 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, đại diện một sàn giao dịch bất động sản lớn tại Hải Phòng cho biết, các khu vực trên nhiều năm qua ít có giao dịch do tính chất ổn định và hạn chế phát triển trong quy hoạch của khu vực trung tâm, và cũng do đây là các vị trí “đất kim cương”, ai đã sở hữu được rồi thì chỉ chú trọng giữ mà khai thác kinh doanh chứ ít người có nhu cầu bán lại. Tuy nhiên, với lợi thế về vị trí và các điều kiện phụ trợ, cũng như qua một số ít giao dịch từ người dân ở đây, hiện đất tại các khu này có giá dao động từ 150 – 250 triệu đồng/m2, tuỳ vào vị trí và diện tích.
Chính vì nghịch lý quá chênh lệch trên dẫn đến sự phản đối của các người dân trong khu vực. Vì với khu đất 0,8 ha vốn là trụ sở cũ của UBND Q.Hồng Bàng, để thanh toán hợp đồng BT cho Công ty Hoàng Huy, TP. Hải Phòng trước đó cũng đã phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch cục bộ đến 2,48 ha đất ở khu vực trung tâm này.
Thời gian qua, các hộ dân sống ở khu vực đường Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) liên tiếp được mời tham gia nhiều cuộc lấy ý kiến của UBND phường về việc điều chỉnh khu đất mà họ đang sinh sống từ lâu nay.
Khu vực này rộng hơn 2,4 ha và chỉ cách Nhà hát lớn Hải Phòng chưa đầy 100 m, được coi là “đất vàng” ở Hải Phòng.
Theo Quyết định 1302/QĐ-UBND của thành phố Hải Phòng ngày 24.6.2014 về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến năm 2025, trong hơn 2,4 ha đất kể trên, không có quy hoạch cho đất hỗn hợp – nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, ngày 20.3.2019, UBND TP.Hải Phòng ra Quyết định số 582/QĐ-UBND điều chỉnh quy hoạch khu vực cơ quan và dân cư thuộc khuôn viên của 4 mặt đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Phan Chu Trinh.
Theo đó, mở rộng đường Phan Chu Trinh đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Đại Hành và đường Lê Đại Hành đoạn từ Trần Hưng Đạo đến ngã 3 Phan Chu Trinh – Lê Đại Hành; xây dựng khu nhà ở và thương mại dịch vụ, trong đó có khu nhà cao 72 tầng.
Tháng 5.2019, UBND phường Hoàng Văn Thụ lại lấy ý kiến của người dân khu vực trên để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, theo hướng chuyển đổi chức năng các lô đất trong khu đất vàng này. Cụ thể, quỹ đất công cộng (Nhà hát tháng 8) và quỹ đất ở hiện trạng (đất ở của các khu dân cư giáp đường Đinh Tiên Hoàng) sẽ được chuyển đổi thành đất hỗn hợp – nhà ở thương mại.
Điểm đáng chú ý trong đợt điều chỉnh này là đất ở của dân cư tiếp tục bị “xén” đi để nâng tổng diện tích đất hỗn hợp từ 1,26 ha lên thành 1,43 ha. Trong đó, khu đất rộng khoảng 0,8 ha vốn là trụ sở UBND quận Hồng Bàng cũ sẽ mọc lên một cao ốc có chiều cao tối đa có thể lên đến 72 tầng.
Trước các điều chỉnh trên, dư luận ở Hải Phòng đã lên tiếng phản đối. Trong các cuộc họp, nhiều hộ dân liên quan đến khu đất trên hoặc không đến dự, hoặc bỏ về mà không cho ý kiến, số ít đến dự thì không đồng tình.
Công ty Hoàng Huy là ai?

Là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất và giàu có nhất đất cảng Hải Phòng, ông Đỗ Hữu Hạ sinh năm 1955 vừa là Chủ tịch vừa là Tổng giám đốc tại doanh nghiệp gia đình – CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy).

Trụ sở cũ của Quận ủy – UBND – HĐND Q.Hồng Bàng rộng 0,8 ha nằm trong 2,4 ha được dự kiến điều chỉnh quy hoạch

Được biết, Công ty Hoàng Huy hoạt động chính ở nhiều lĩnh vực, như kinh doanh ô tô đầu kéo Mỹ và các linh kiện thu hồi, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ,… Tuy nhiên, mảng kinh doanh ô tô luôn duy trì sự đóng góp lớn nhất đối với công ty.

Số liệu tại kỳ kế toán (4/2019 – 12/2019), mảng kinh doanh này đóng góp hơn 33,4% doanh thu của toàn công ty.

Hiện tại, trên thị trường có hơn 353 triệu cổ phiếu Công ty Hoàng Huy đang được lưu hành. Trong đó, có 2 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn cổ phần là ông Hạ (42,77%) và con trai Đỗ Hữu Hậu (5,14%).

Đến hết quý I/2020, tổng tài sản của công ty ở mức 3.684 tỉ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, riêng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng chiếm 1.769 tỉ đồng, các khoản tiền gửi này được hưởng lãi suất từ 6,8% đến 7,5%/năm.

Tại Hải Phòng Hoàng Huy là doanh nghiệp tham gia triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên tại một số dự án cư dân phản ánh chất lượng công trình kém. Cụ thể, mới đây nhất, dân cư khu nhà ở cho người thu nhập thấp Hoàng Huy Pruksa (xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) đã có đơn gửi cơ quan chức năng vì bị tăng giá gửi xe, công trình xây dựng kém, an ninh không đảm bảo.

Cụ thể, nhiều cư dân sinh sống tại đây phản ánh chất lượng nhà tại dự án Hoàng Huy Pruksa này rất kém. Theo đó, nhiều căn hộ bị dột, nhà vệ sinh tầng trên ngấm nước xuống dưới. Hệ thống thoát nước thải thường xuyên bị tắc. Tường nhà bị nứt rất nhiều mặc dù mới sử dụng, vỉa hè sụt lún. Tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường cũng bị người dân đánh giá là không đảm bảo. Nhiều hộ liên tục bị mất trộm cây cảnh, quần áo, giày dép…

Tuy nhiên những năm gần đây DN này không hiểu vì lý do gì đơn vị này liên tiếp trúng thầu hàng loạt dự án bất động sản trị giá hàng trăm tỷ đồng ở TP Hải Phòng. Chúng tôi tiếp tục đề cập ở các bài sau.

Hoàng Anh (TH)/Sở hữu trí tuệ