IDCS triển khai chương trình tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày

Ngày 14/11/2021, tại tòa nhà Bộ Công thương phía Nam, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) – Cục Công nghiệp Bộ Công Thương đã triển khai chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lĩnh vực dệt may và da giày trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Đây là chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT lĩnh vực dệt may và da giày thuộc dự án tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ kết nối do IDCS tài trợ và tổ chức thực hiện trong vòng 5 năm liên tục từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho DN góp phần nâng cao năng lực về sản xuất nguyên phụ liệu, hoàn tất sản phẩm ngành dệt may, da giày tiếp cận cấp độ thích hợp trong chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, chương trình cũng thúc đẩy mối quan hệ giữa các DN vừa và nhỏ (DNVVN) thuộc CNHT lĩnh vực dệt may, da giày với các DN đầu chuỗi cung ứng muốn tìm kiếm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực cho các DN cải thiện mô hình sản xuất và thúc đẩy sự phát triển bền vững, cũng như tăng cường khả năng liên kết giữa các DN dưới hình thức tổ chức các sự kiện, hội thảo, quảng bá sản phẩm, kết nối B2B.

Ngày 14/11/2021, IDCS đã chính thức tiến hành triển khai chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN ngành dệt may và da giày.

Ngoài ra, dự án này cũng nhằm tăng cường sự tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Tạo tiền đề và thúc đẩy sự tham gia của các DNVVN cũng như kết nối hiệu quả các chuỗi cung ứng đang tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam.

Khai mạc chương trình, ông Hoàng Bá Sơn – Giám đốc IDCS cho biết: “Với nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công để hỗ trợ phát triển công nghiệp, IDCS đã triển khai dự án này nhằm kết nối khả năng liên kết của các doanh nghiệp với nhau triển khai để nâng cao năng lực về sản xuất, năng lực cung ứng sản phẩm… Do đó, IDCS đã và đang từng bước triển khai các chương trình một cách bài bản nhằm hướng đến cộng đồng DN trong nước”.

“Bên cạnh đó, để DN sản xuất ổn định và phát triển bền vững đó là hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của DN với doanh số ổn định, giá bán hợp lý, đảm bảo các DN cung ứng phụ kiện ổn định về sản xuất và liên tục phát triển. IDCS với vai trò trung gian hỗ trợ kết nối, những người tổ chức chương trình này mong muốn rằng, ngoài việc thiết lập được nhiều giao dịch cung ứng thành công, còn tạo nên được môi trường kinh doanh theo hướng B2B trong tương lai. Với nội dung đào tạo được xây dựng trên quy trình tư vấn nhà cung ứng được chia sẻ từ Hàn quốc, chương trình này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN nữa” ông Sơn nói.

Chương trình do IDCS tổ chức rất được sự đón nhận của các DN trong ngành dệt may và da giày.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam kiêm đại diện Hiệp hội ngành dệt may Việt Nam chia sẻ: “Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, ngành dệt may và da giày trong nhiều năm qua cũng đã vươn lên thành một trong những vị trí xuất khẩu hàng đầu về giao thương của Việt Nam. Đồng thời, sau khi Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định FTA thì đây là một trong những cơ hội cho ngành dệt may và da giày của chúng ta có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chương trình này, sẽ mang lại vừa lợi ích cho DN, vừa đảm bảo các DN chúng ta sẽ được kết nối để phát triển thành một chuỗi và là một nền tảng để cho Hiệp hội và ngành dệt may Việt Nam phát triển hơn nữa”.

Là một trong những người rất tâm huyết với ngành dệt may, luôn đón nhận những cái mới trong sản xuất và cung ứng, ông Trần Văn Hoàn – Giám đốc Công ty TNHH Thể thao CP đã đánh giá rất cao về chương trình: “Tôi đánh giá rất cao về đề án chương trình trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT lĩnh vực dệt may và da giày trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước của IDCS. Chương trình này sẽ góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề mà các DN đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay. Tôi sẽ ứng dụng các kiến thức, công cụ học được trong chương trình này để ứng dụng vào thực tiễn cho việc phát triển DN của mình”.

“Tôi sẽ ứng dụng các kiến thức, công cụ học được trong chương trình này để ứng dụng vào thực tiễn cho việc phát triển DN của mình” ông Trần Văn Hoàn – Giám đốc Công ty TNHH Thể thao CP cho biết.

Được biết, ngoài việc tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT, thông qua chương trình này IDCS cũng mong muốn các nhà cung ứng nội địa sẽ tìm kiếm được các nhu cầu phụ kiện hợp lý từ nhà sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh trong lĩnh vực dệt may, da giầy trong và ngoài nước như GIZ (Đức), GZP Group của Mỹ. Với vai trò đầu chuỗi cung ứng trong nước, IDCS hy vọng các nhà sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh sẽ tìm được nhiều nhà cung cấp với sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu của chính DN để chương trình đạt được nhiều kết quả như mục tiêu đề ra.