Kết quả kinh doanh trái ngược của bộ đôi Vinhomes, Vincom Retail trong quý I/2020

Doanh thu Vincom Retail sụt giảm do hỗ trợ cho khách thuê chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19

CTCP Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 với doanh thu giảm 26% xuống 1.685 tỷ và lợi nhuận sau thuế giảm 19% so với cùng kỳ xuống 492 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Vincom Retail kể từ quý 3/2017.

Doanh thu sụt giảm chủ yếu nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản giảm từ 601 tỷ xuống 201 tỷ đồng còn doanh thu cho thuê giảm 150 tỷ, từ 1.600 tỷ xuống 1.449 tỷ đồng.

Vincom Retail cho biết doanh thu cho thuê giảm 150 tỷ do công ty giải ngân gói 300 tỷ đồng hỗ trợ cho khách thuê chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại như Vincom Retail, với nhiều trung tâm đã đóng cửa gần một tháng từ cuối tháng Ba đến 22/4. Tính đến cuối năm 2019, Vincom Retail vận hành 79 trung tâm thương mại trên cả nước với tỷ lệ lấp đầy toàn hệ thống đạt xấp xỉ 90%.

Tổng doanh thu thuần hợp nhất của VRE đạt gần 1,686 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 67% (201 tỷ đồng) và doanh thu cung cấp dịch vụ khác giảm 57% (35.6 tỷ đồng). Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm 29% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá vốn chuyển nhượng bất động sản giảm 86% (66 tỷ đồng) và giá vốn cung cấp dịch vụ khác giảm 35% (79 tỷ đồng). Do đó, lợi nhuận gộp của VRE giảm 22% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 759 tỷ đồng, kéo biên lãi gộp từ 42.6% lên mức 45%.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 41% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 47 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản đặt cọc giảm 41%. Chi phí tài chính lại tăng 9% lên hơn 79 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay.

Tại ngày 31/03/2020, tổng tài sản VRE đạt 36.916 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 783 tỷ đồng (tăng 8%), chủ yếu đến từ cho thuê bất động sản đầu tư.

Hàng tồn kho giảm nhẹ 2% so với đầu năm, ghi nhận 970 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm bất động sản để bán đang xây dở dang: Các hạng mục căn hộ, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại để bán.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 22% so với đầu năm lên gần 796 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án Vincom Plaza Biên Hòa 2, Mỹ Tho, Thái Nguyên, Bạc Liêu.

Doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 9.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,9% và giảm 12,3% so với thực hiện năm 2019. Doanh nghiệp lên kế hoạch giữ lại lợi nhuận năm 2019 và không chia cổ tức để phục vụ quá trình đầu tư, kinh doanh.

Về sản phẩm, Vincom Retail phát triển đồng bộ bốn mô hình trung tâm thương mại (“TTTM”): Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vicom+.

Năm 2020, Vincom cho thuê và vận hành mô hình kinh doanh mới du lịch bán lẻ, với sản phẩm nổi bật là Grand World Phú Quốc.

Để hỗ trợ khách thuê do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vincom Retail chủ động đưa ra các phương án phòng chống dịch, hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng TTTM trên toàn hệ thống. Đồng thời, Công ty kết nối với nhà bán lẻ trong các TTTM với các nền tảng kinh doanh trực tuyến và giao hàng như VinID, Grab, Now… tăng cường các kênh bán hàng, phục vụ khách mua sắm tốt nhất

Tuy nhiên, Vincom Retail vẫn ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh khởi sắc. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 1.288,3 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ chỉ 916,3 tỷ đồng.

Nhờ vào hoạt động kinh doanh chính tạo tiền, trong khi hoạt động đầu tư sử dụng vốn không quá lớn, dòng tiền tạo ra trong kỳ là 666 tỷ đồng, nâng mức tiền mặt từ 1.388 tỷ đồng lên 2.054 tỷ đồng vào cuối kỳ.

ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu VRE

Đóng cửa phiên giao dịch 18/5/2020, cổ phiếu VRE tăng 450 đồng lên mức 24.550 đồng/cổ phiếu. Trong thời gian hơn 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu đã bật tăng từ đáy lên mức giá hiện tại, tương đương tăng 35,6%.

Vinhomes lợi nhuận trước thuế gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019

Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, trong đó, Vinhomes gây ấn tượng rất mạnh với lợi nhuận trước thuế lên đến trên 10.100 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Lực đẩy lợi nhuận đến từ cả hoạt động cốt lõi lẫn hoạt động tài chính. Ở hoạt động cốt lõi, quý vừa qua, Vinhomes ghi nhận trên 6.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11,4%; sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần, cho thấy có sự cải thiện rất lớn trong biên lợi nhuận gộp.

Ở hoạt động tài chính, trong kỳ, Vinhomes ghi nhận đột biến gần 8.600 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn sự gia tăng đột biến này là đến từ “lãi chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con đang sở hữu một phần dự án bất động sản”.

Trong khi đó, tổng chi phí “chỉ” tăng gấp rưỡi, đạt trên 1.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính ở mức 634 tỷ đồng, tăng 25,1%; chi phí bán hàng ở mức 244 tỷ đồng, tăng 5,1%; còn chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 533 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần. Mức tăng chi phí này thấp hơn rất nhiều mức tăng doanh thu, là tiền đề để Vinhomes ghi nhận lợi nhuận cao.

Mặc dù đạt lợi nhuận trước thuế lên đến trên 10.100 tỷ đồng trong quý I/2020 nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinhomes lại âm (-) tới trên 2.600 tỷ đồng. Nguyên nhân quan trọng là do hơn 8.100 tỷ đồng lãi từ hoạt động đầu tư đã ghi nhận vào kết quả kinh doanh không đem về dòng tiền thật trong kỳ.

Nếu xét riêng công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Vinhomes giảm tới gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 600 tỷ đồng. Mấu chốt của sự “lệch pha” giữa lợi nhuận hợp nhất và lợi nhuận công ty mẹ nằm ở khoản lãi “khủng” từ chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con – khoản này xuất hiện trong kết quả kinh doanh hợp nhất nhưng không đem lại lợi ích cho công ty mẹ.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ