Khó khăn sẽ sớm qua đi

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều doanh nghiệp không khỏi ngậm ngùi, 2021 là năm nên quên đi để giữ niềm tin tưởng, đón chào năm mới 2022 với nhiều kỳ vọng, lạc quan và tươi sáng hơn về bức tranh tổng thể của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Không thể nghĩ rằng, tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 lại xảy tới một cách trực diện, nghiêm trọng với những thiệt hại khủng khiếp với con người về nhân mạng và những tác động tiêu cực với hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của số đông doanh nghiệp.

Dây chuyền sản xuất thiết bị âm thanh của một doanh nghiệp tại Quảng Ninh.

Khảo sát mới nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong tháng 9 cho thấy, có tới gần 94% doanh nghiệp cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp ở mức rất cao. Một số trung tâm kinh tế lớn – là động lực tăng trưởng như TP.Hồ Chí Minh, một số tỉnh Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của cả nước… cũng đều bị ảnh hưởng. Ở phía Bắc thì có tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang – những vùng kinh tế trọng điểm cũng ảnh hưởng tương tự trong giai đoạn đầu dịch Covid-19.

Thậm chí đã có tình trạng, một số doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chuyển dây chuyền sản xuất sang quốc gia thứ 3 khác để hoàn tất đơn hàng xuất khẩu, do các doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam phải ngừng hoạt động và không đảm bảo đủ các đơn hàng đã cam kết. Đó quả thực là khó khăn không ai mong muốn.

Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và toàn xã hội, dịch Covid-19 đang dần bị đẩy lùi, nhờ vào việc phủ rộng vaccine tới đại bộ phận người dân cùng các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI chia sẻ: Qua nhiều chuyến khảo sát doanh nghiệp, nhiều cuộc làm việc với các địa phương, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng, ở nhiều nơi, bằng cách này hay cách khác, có những giải pháp, cách thức và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó qua đại dịch. Nhiều sáng kiến đã được triển khai và doanh nghiệp cũng ghi nhận tích cực tinh thần đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… đã liên tục đồng hành, đối thoại cùng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt vướng mắc và nhanh chóng tìm hướng tháo gỡ. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, các địa phương còn quan tâm tới những khó khăn của các nhà đầu tư.

Có nơi như tỉnh Quảng Ninh còn triển khai các chương trình như Investors Care (Tổ công tác chăm sóc các nhà đầu tư) và giao cho lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách. Hay như tỉnh Bắc Ninh tổ chức Đội phản ứng nhanh chuyên nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ…

Trước đây, các tỉnh và thành phố chỉ xem việc ban hành chính sách, quy trình đầu tư là xong nhiệm vụ, nay ứng xử với các nhà đầu tư hay hỗ trợ doanh nghiệp vượt thách thức của đại dịch đã bước vào thực chất hơn. Không chỉ đưa ra các chương trình hỗ trợ những nhà đầu tư hiện có của tỉnh, các địa phương xem họ có gặp khó khăn gì để giúp giải quyết các vướng mắc. Thậm chí, một số sở, ngành ở thành phố Hải Phòng còn công bố công khai giảm 1 nửa thời gian thực hiện danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuế so với quy định thông thường của Trung ương và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực hiện của cơ quan công quyền.

“Với thành quả của công tác phòng chống dịch trong thời gian gần đây, tôi tin tưởng rằng, khó khăn sẽ chỉ là tạm thời và những thách thức sẽ nhanh chóng qua đi khi dịch bệnh được khống chế và toàn xã hội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.