Khối ngoại chưa dừng ‘xả hàng’

Áp lực rút vốn từ khối ngoại chưa giảm giữa lúc VN-Index diễn biến tiêu cực. Khối ngoại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong tuần này với tâm điểm là những cổ phiếu vốn hoá lớn như MSN, HPG, VIC, VJC và chứng chỉ quỹ E1VFVN30.

Phiên cuối tuần, VN-Index có lúc mất hơn 45 điểm đã đẩy sức ép bán lên đỉnh điểm. Khối ngoại giao dịch liên tục từ lúc thị trường mở cửa, cá biệt có một số lệnh đến vài triệu cổ phiếu được khớp sát giá sàn. Giá trị bán ròng cả phiên trên 690 tỷ đồng, nối dài mạch bán ròng 24 liên tiếp.

Lần gần nhất khối ngoại mua ròng là hơn một tháng trước, vào ngày 10/2, với giá trị 40 tỷ đồng.

Trong bản tin định kỳ hàng tháng, quỹ đầu tư của VinaCapital nhận định áp lực rút vốn tại Việt Nam lớn nhưng chưa xuất hiện tình trạng bán tháo mạnh như tại một số thị trường trong khu vực. Khối ngoại đã rút hơn 3,6 tỷ USD tại Hàn Quốc, 885 triệu USD tại Thái Lan vào tháng trước, trong khi con số này tại Việt Nam chỉ khoảng 129 triệu USD (3.000 tỷ đồng).

Xu hướng này cộng thêm dòng tiền nội địa dè dặt, là những nguyên nhân chính khiến các thị trường mới nổi lao dốc mạnh.

Theo KBSV, từ 2014 đến nay, có 3 giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài rút vốn mạnh khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Đầu tiên là vào nửa cuối 2014, khi Fed dừng gói nới lỏng tiền tệ và giá dầu xuống nhanh trước lo ngại tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ yếu. VN-Index khi đó cũng điều chỉnh và tạo đáy vào cuối năm khi khối ngoại dừng bán ròng.

Giai đoạn 2 kéo dài từ cuối 2015 đến hai tháng đầu 2016. Động thái phá giá đồng nhân dân tệ cùng các lo ngại về suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, kết hợp với Fed thắt chặt chính sách tiền tệ khiến dòng vốn bị rút khỏi Việt Nam và nhiều thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ nhờ dòng tiền trong nước hoạt động tích cực và nhóm cổ phiếu dầu khi đi lên theo giá dầu.

Gần đây nhất là năm 2018, khi các yếu tố rủi ro như chiến tranh thương mại, Fed tăng lãi suất… khiến dòng vốn toàn cầu rút khỏi các thị trường mới nổi để tìm đến những tài sản trú ẩn.

“Một điểm dễ nhận thấy trong quá khứ là VN-Index chỉ có thể tạo đáy và hồi phục bền vững khi xu hướng bán ròng kết thúc”, chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam cho hay.

Nhóm phân tích dự đoán dòng vốn khó đảo ngược trong tương lai gần nếu không xuất hiện các thông tin hỗ trợ cụ thể như dịch bênh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu hồi phục rõ rệt… Các ngân hàng trung ương tăng cường chính sách kích thích kinh tế là tín hiệu tích cực, nhưng trong lúc này, dư địa nới lỏng chính sách không còn dồi dào như giai đoạn hậu khủng hoảng 2008-2009. Điều này đồng nghĩa tác động của chính sách bị hạn chế đáng kể, và khó trở thành động lực giúp đảo ngược xu hướng rút vốn.

Phương Đông