Kinh Bắc City: Tình hình kinh doanh sụt giảm, khoản vay nợ vòng vèo

KBC: Tình hình kinh doanh sụt giảm

Theo giải trình của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC), do tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2020 dẫn đến tình hình kinh doanh của Công ty đã bị suy giảm.

Cụ thể, doanh thu thuần nửa đầu năm 2020 của KBC sau soát xét vẫn đạt 727 tỷ đồng với phần lớn nguồn thu đến từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, kết quả này đi lùi đến 54% so với cùng kỳ.

Bên cạnh chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 6% sau soát xét, các chỉ tiêu khác của KBC gần như không biến động. Qua đó, Công ty ghi nhận mức lãi sau thuế hơn 105 tỷ đồng, giảm 4% so với báo cáo tự lập. Thế nhưng LNST cổ đông Công ty mẹ của KBC lại giảm mạnh 73% sau soát xét chỉ còn hơn 15 tỷ đồng (giảm 96% so với cùng kỳ).

Bên cạnh kết quả kinh doanh sụt giảm sau soát xét và đi lùi đáng kể so với cùng kỳ thì lưu chuyển tiền thuần của KBC cũng đáng lưu tâm khi ghi nhận mức âm hơn 552 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi đó cùng kỳ đạt hơn 775 tỷ đồng.

Tổng tài sản của KBC tại thời điểm cuối quý 2 đạt 18,187 tỷ đồng, tăng đến 11% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn, đạt 15,653 tỷ đồng, tăng 13%; tài sản dài hạn đạt 2,533 tỷ đồng, nhích nhẹ 12 tỷ đồng.

Tài sản ngắn hạn của KBC tăng mạnh chủ yếu do Công ty rót hơn 1.862 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh mà cụ thể là mua 100% vốn góp của Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen. KBC trình bày khoản đầu tư này là chứng khoán kinh doanh do Tổng Công ty có kế hoạch chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty này trong thời gian tới.

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn cũng như hàng tồn kho của KBC cũng nhích nhẹ so với thời điểm đầu năm, lần lượt đạt 5,520 tỷ đồng và 7,641 tỷ đồng.

Nợ phải trả của KBC tại ngày 30/06/2020 tăng hơn 27% so với thời điểm đầu năm lên 7,700 tỷ đồng chủ yếu do Công ty gia tăng các khoản nợ phải trả ngắn hạn khác.

Cụ thể, KBC ghi nhận hơn 1.805 tỷ đồng nợ phải trả cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Minh Hoàng liên quan đến chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty Hoa Sen nói traên. Hiện tổng nợ phải trả của KBC đang chiếm hơn 42% tổng tài sản.

Trên thị trường, giá cổ phiếu KBC đang tăng lại kể từ đáy cuối tháng 7, hiện giao dịch tại mức giá 13.600 đồng/cp (trong phiên 8/09). Khối lượng trung bình đạt hơn 2.3 triệu cp/phiên trong 1 năm trở lại đây.

Hiện giao dịch tại mức giá 13.600 đồng/cp (trong phiên 8/09).

Khoản vay nợ vòng vèo

Được biết, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City, mã KBC, sàn HoSE) hiện có tổng cộng 11 công ty con, đều hoạt động liên quan đến bất động sản, chủ yếu là các chủ đầu tư khu công nghiệp.

Hơn 90% khách hàng của các khu công nghiệp là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… Mỗi khu công nghiệp đều có những tập đoàn lớn như Canon, Foxconn, LG, JA Solar, Luxshare – ICT, Goertek, Fuyu, Jufeng… đầu tư với quy mô lớn.

Kinh Bắc City nắm 100% vốn tại 5 công ty. Đó là Công ty TNHH một thành viên Phát triển Đô thị Tràng Cát, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư NGD, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh văn phòng và nhà xưởng Kinh Bắc, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Kinh Bắc – Đà Nẵng và Công ty TNHH Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tân Tập.

Trong một số công ty, Kinh Bắc City không nắm vốn trực tiếp, mà nắm vốn gián tiếp thông qua một công ty trung gian.

Chẳng hạn, Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Tân Phú Trung – Long An được Kinh Bắc City nắm gián tiếp thông qua Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn – Tây Bắc, Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Bắc Giang – Long An được Kinh Bắc City nắm gián tiếp qua Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang. Công ty TNHH Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tân Tập được Kinh Bắc City nắm gián tiếp qua Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính công ty mẹ Kinh Bắc City quý II/2020, Tổng công ty có khá nhiều khoản vay và cho vay đan xen giữa công ty mẹ và các công ty con và các công ty có liên quan.

Trong kỳ kế toán trước, Tổng công ty trả nợ vay hơn 200 tỷ đồng với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng. Ở kỳ này, Tổng công ty không phát sinh vay nợ, nhưng vẫn phát sinh lãi vay gần 3,6 tỷ đồng với công ty này.

Trong khi đó, khoản nhận tiền vay đáng kể từ công ty con là 479 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang, riêng tiền lãi vay trong kỳ đã lên tới 16,4 tỷ đồng. Ngoài ra, một số công ty con khác cũng phát sinh lãi cho vay hoặc lãi vay phải trả trong kỳ như Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Kinh Bắc – Đà Nẵng, Công ty cổ phần Đầu tư Vinatex Tân Tạo (công ty chung Chủ tịch HĐQT), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Sài Gòn (cùng chung Chủ tịch)…

Theo Kinh Bắc City, số dư các khoản phải thu, phải trả, cho vay các bên liên quan tại thời điểm ngày 30/6/2020 không cần bảo đảm và sẽ được thanh toán bằng tiền. Với giai đoạn tài chính 6 tháng đầu năm, Tổng công ty chưa trích lập bất cứ khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi nào liên quan đến số tiền các bên liên quan còn nợ Tổng công ty.

Việc đánh giá này được thực hiện cho mỗi năm thông qua việc kiểm tra tình hình tài chính của bên liên quan và thị trường mà bên liên quan đó thực hiện.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2020, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Kinh Bắc City đã cho biết những chiến lược lớn của Công ty trong việc khai thác quỹ đất thời gian tới.

Cụ thể, trong năm nay, Tổng công ty đấu thầu nhiều dự án khu đô thị và khu công nghiệp có quy mô lớn. Ngoài ra, Kinh Bắc City cũng thành lập thêm các khu công nghiệp và khu đô thị mới.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ