Mì Hảo Hảo bị Ireland thu hồi vì chứa chất cấm, người dùng Việt Nam có ảnh hưởng?

Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) vừa ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.

Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120 g, hạn sử dụng đến 30/11/2022). Trong đó, 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này. FSAI sẽ gửi thông báo thu hồi lô sản phẩm trên tại các điểm bán chịu trách nhiệm phân phối.

“Một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do chứa Ethylene Oxide – thành phần thuốc trừ sâu. Thành phần này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán tại EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chất này không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể gây vấn đề về sức khỏe nếu tiếp tục tiêu thụ trong một thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này. Thông báo thu hồi tại điểm bán hàng sẽ được hiển thị trong các cửa hàng được cung cấp cùng các lô liên quan”, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland thông báo.

Liên quan tới sự việc trên, trao đổi với báo chí, Công ty Acecook Việt Nam khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam.

Công ty Acecook Việt Nam cho biết không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Hiện doanh nghiệp này đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Acecook Việt Nam cho biết doanh nghiệp này đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và các nhà cung cấp cũng khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất của họ. “Chúng tôi đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acecook Việt Nam”, phía Acecook Việt Nam cho hay.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm ăn liền do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi. Vào tháng 12/2020, hãng tin Yonhap News (Hàn Quốc) đưa tin, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) đã cho phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có hạn sử dụng đến ngày 3/12/2021, ngày 5/4/2022 và ngày 19/4/2022.

Theo đó, sản phẩm bị thu hồi và xử lý là phở ăn liền Peacock. Đây là sản phẩm của Acecook Việt Nam gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc (chuỗi siêu thị bán lẻ của Hàn Quốc). Nguyên nhân được đưa ra vì phát hiện trong phở ăn liền Peacock có chứa chất Benzopyrene (một chất gây ung thư).

Bezopyrene là chất sinh ra trong quá trình đốt cháy không hoàn toàn Carbohydrate và Protein trong quá trình nấu thức ăn ở nhiệt độ cao. Bezopyrene là chất gây ung thư nhóm 1 do Viện Nghiên cứu Ung thư quốc tế quy định.

Mặc dù các sự cố liên quan tới chất lượng mì Acecook chỉ mới xảy ra với sản phẩm phục vụ xuất khẩu nhưng thông qua các vụ việc trên, có thể thấy rõ quá trình kiểm soát nguyên liệu và sản xuất của thương hiệu mì Acecook đang có vấn đề. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dùng, thiết nghĩ, phía Acecook Việt Nam nên nhanh chóng rà soát quá trình sản xuất, sử dụng nguyên liệu cho các sản phẩm mì ăn liền tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đồng thời, công khai, minh bạch kết quả kiểm tra các quá trình này dưới sự theo dõi của cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo khảo sát mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền nội địa đã tăng 67%. Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, riêng Acecook Việt Nam sản xuất khoảng 2,5 tỉ gói mì/năm, trong đó 10% sản phẩm dành cho thị trường xuẩt khấu.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, hiện nay, do cuộc sống bận rộn, nhiều người chọn mì tôm là bữa sáng thường xuyên, thậm chí có những lúc mì tôm “đóng thế” là bữa chính cho cả gia đình.

Đặc biệt ở chỗ, nhiều trẻ em rất thích món này. Trong khi đó, thành phần chủ yếu của mì là carbohydrate, mà cơ thể con người muốn khỏe mạnh cần có 6 chất là: protein, mỡ, carbohydrate, khoáng chất, vitamin và nước. Nếu thiếu hụt một trong 6 dưỡng chất trên cơ thể rất dễ mệt mỏi, tình trạng kéo dài sẽ dễ sinh bệnh. Việc ăn mì mỗi ngày có thể khiến cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, từ đó gây ra một số bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chất mỡ trong mì tôm thông thường đều thêm chất chống ô xy hóa, nhưng nó chỉ làm chậm tốc độ ô xy hóa, kéo dài thời gian biến mùi của mì tôm. Nếu dung nạp chất này quá nhiều trong thời gian dài, chất chống ô xy hóa sẽ ảnh hưởng xấu tới hệ nội tiết và thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Trong mì tôm còn chứa nhiều hương liệu và chất phụ gia, nếu ăn thường xuyên sẽ không những khiến vị giác giảm sút mà còn có thể tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa chung. Điều này lâu dần có thể sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau dạ dày…