Mối quan hệ nhùng nhằng và chiêu trò huy động vốn bằng trái phiếu giữa MIK-VPBANK-TCBS

MIK Group tiền thân là Công ty TNHH Terra Capital Vietnam được thành lập ngày 2/6/2014 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 29/6/2018, chỉ sau 4 năm, vốn điều lệ của MIK Group đã tăng gấp 18 lần lên 5.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này đang nắm quyền chi phối và sở hữu một loạt dự án khủng có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng như Imperia Garden, Imperia Sky Garden, Valencia Garden tại Hà Nội; Imperia An Phú, The Ascott Waterfront Saigon, The Park Residence, Villa Park… tại TP.HCM. Hầu hết các dự án của MIK Group được bảo lãnh, tài trợ bởi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Chủ tịch VPBank (bên trái) Ngô Anh Dũng

Chủ tịch HĐQT hiện tại của MIK Group là ông Vũ Tiến Đức, chồng bà Nguyễn Quỳnh Anh – cựu Trưởng Ban kiểm soát của VPBank. Ông Đức từng nắm giữ 5,9 triệu cổ phiếu VPB và thoái hết vào tháng 9/2016. Bà Quỳnh Anh với ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank từng là nhân sự nòng cốt của Techcombank. Ông Đức cũng từng nắm giữ 9,6% vốn của MIK Group.

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Trường Thịnh Phát (nắm 27,6% cổ phần MIK Group) được thành lập cuối năm 2012, vốn điều lệ hiện tại là 130 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nắm giữ 80% quyền chi phối là ông Vũ Đình Chiến – người đã từng nắm giữ 33% vốn điều lệ của MIK Group. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hiện tại của Trường Thịnh Phát là ông Vũ Tiến Đức, có mối quan hệ mật thiết với VPBank.

Công ty TNHH Bất động sản An Thịnh Lộc (nắm 31,5% cổ phần MIK Group) thành lập tháng 6/2011, hiện có vốn điều lệ hơn 200 tỷ đồng. Công ty này tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam và do Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC) sáng lập.

Ông Nguyễn Quang Hưng, người vẫn đang nắm giữ 10,3% vốn điều lệ của MIK Group từng là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Việt Hải, đơn vị từng nắm giữ 2,29% cổ phần của VPBank. Đầu tư Việt Hải là công ty do Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân làm Chủ tịch HĐQT và sở hữu 90% vốn điều lệ.

Sự liên quan giữa MIK Group và VPBank cũng có thể nhìn nhận từ thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VPBank vào cuối tháng 9/2017. Theo đó, 3 cá nhân là Lê Việt Anh, Nguyễn Phương Hoa và Trần Ngọc Lan đã chi ra hơn 6.400 tỷ đồng để nắm giữ hơn 164,7 triệu cổ phiếu VPBank.

Theo tìm hiểu bà Trần Ngọc Lan – nhà đầu tư mua hơn 58,9 triệu cổ phần VPBank cuối tháng 9/2017 trùng tên với con gái ông Trần Ngọc Bê, anh rể Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng. Ông Bê và bà Lan đã từng sở hữu lần lượt 10% và 79,5% vốn điều lệ của MIK Group.

Ông Lê Việt Anh – người có tên trùng với nhà đầu tư mua 46,7 triệu cổ phần VPBank tháng 9/2017 – đã từng có thời gian công tác tại VPBank (2012 – 2014) và Techcombank (giai đoạn 2010 – 2012). Ông Việt Anh cũng là thành viên Ban kiểm soát Công ty CP HBI – chủ đầu tư Dự án Imperia Garden, sản phẩm bất động sản được phát triển bởi MIK Group.

Cá nhân đã mua hơn 59 triệu cổ phần VPBank tháng 9/2017 – bà Nguyễn Phương Hoa – trùng tên với vợ Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank Nguyễn Cảnh Sơn. Ông Sơn và Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng từng đứng trong HĐQT Techcombank và từng lập ra Công ty Chứng khoán Eurocapital năm 2008.

Nhà đầu tư nhìn thấy những chiêu trò, bóng dáng của MIK Group trong các thương vụ huy động trái phiếu giữa các doanh nghiệp với các nhà băng.

Theo dữ liệu, Công ty TNHH Hải Dương Giang Biên trong 2 ngày 27-28/12/2019 đã tiến hành 3 đợt phát hành trái phiếu liên tiếp với tỷ lệ thành công 100%, gồm lô 1.100 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,38%/năm cho kỳ đầu tiên; lô 1.750 tỷ đồng và lô 750 tỷ đồng cùng kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 8,423%/năm cho kỳ đầu tiên và lãi tham chiếu cộng biên độ 0,923%/năm cho các kỳ tính lãi tiếp theo.

Có thể nói đây là mức lãi suất khá hấp dẫn so với mặt bằng chung trên thị trường, vốn phổ biến trong khoảng 10,5-11,5%/năm.

Đơn vị thu xếp cho đợt phát hành với tổng giá trị lên tới 3.600 tỷ đồng là Techcombank và công ty con Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), trong đó TCBS đứng vai trò Tổ chức bảo lãnh và Đại lý lưu ký, trong khi Techcombank đảm trách Tổ chức quản lý tài khoản và Tổ chức nhận tài sản bảo đảm.

Không có nhiều tên tuổi, việc phát hành thành công khối lượng trái phiếu lớn hơn vốn pháp định của một ngân hàng thương mại dẫn tới khả năng Hải Dương Giang Biên là thành viên, hoặc là SPE của một tập đoàn có chỗ đứng trên thị trường, mà vì nhiều lý do, tập đoàn mẹ không tiện đứng tên cho lô trái phiếu rất “khủng”.

Danh tính trái chủ không được công khai, chỉ được chú thích là 1 định chế tài chính, phần nào hé lộ dòng tiền chảy về Hải Dương Giang Biên chắc hẳn là từ một ngân hàng thương mại, bởi ở Việt Nam, khó có tổ chức nào đủ khả năng thu xếp các khoản vốn với đơn vị nghìn tỷ ngoài trừ các nhà băng. Nhà đầu tư nhận định.

Bóng dáng và chiêu trò lặp đi lặp lại của MIKGroup?

Về phía tổ chức phát hành, theo tìm hiểu được biết, Hải Dương Giang Biên có nhiều mối liên hệ với tập đoàn bất động sản MIKGroup.

Công ty này được thành lập vào tháng 6/2018, có quy mô vốn điều lệ ban đầu là 513,615 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập là 5 cá nhân, bao gồm: ông Vũ Đình Chiến (41%), bà Nguyễn Phương Hoa (34%), bà Nguyễn Thị Minh Phượng (11%), bà Nguyễn Thị Thu Hương (9%) và ông Phạm Ngọc Quốc Cường (6%).

Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật củ là ông Vũ Đình Chiến (sinh năm 1973) – một trong những nhân sự “quen mặt” trong “hệ sinh thái” các doanh nghiệp liên quan tới MIKGroup. Sau nhiều lần tăng vốn và đổi chủ sở hữu, Hải Dương Giang Biên hiện là công ty con 100% vốn của Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hoàng Nghiệp, quy mô vốn điều lệ được nâng lên mức 700 tỷ đồng.

Sau nhiều lần thay đổi chủ sở hữu và tăng vốn, Hải Dương Giang Biên hiện có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, chuyển đổi thành công ty TNHH và là công ty con 100% vốn của Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hoàng Nghiệp. Quy mô vốn điều lệ được nâng lên mức 700 tỷ đồng.

Hoàng Nghiệp hay Hải Dương Giang Biên nói tóm gọn đều là thành viên một một tập đoàn bất động sản mới nổi ít năm trở lại. Với sự hậu thuẫn của một ngân hàng thương mại tư nhân top đầu, tập đoàn này liên tục mở rộng hoạt động, M&A hàng chục dự án từ Bắc vào Nam.

Còn mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Galaxy (Mua bán nợ Galaxy) gần đây đã công bố thông tin về đợt phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản.

Số trái phiếu này có kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định ở mức 11%/năm, được phát hành thông qua đại lý là CTCP Chứng khoán VPS (VPS).

Bản công bố thông tin của Mua bán nợ Galaxy cho hay, doanh nghiệp đã phát hành được 437 tỷ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư tổ chức (chưa rõ danh tính). Thời gian phát hành diễn ra vào ngày 23/12/2019. Tổ chức quản lý tài khoản là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu kể trên là “quyền đòi nợ và quyền tài sản phát sinh từ khoản vay có giá trị 750 tỷ VND của bên thứ ba” cùng các tài sản khác hoặc biện pháp bảo đảm khác.

Trước đó, người ta cũng thấy, Bóng hình ông lớn MIKGroup sau lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng BDBond2019. Theo đó, Du lịch Biển Đông được thành lập từ năm 2014, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM. Ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký của công ty là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Chỉ 1 ngày trước thời điểm phát hành trái phiếu, thay đổi đăng ký kinh doanh của Du lịch Biển Đông cho thấy công ty đã tăng quy mô vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên mức 420 tỷ đồng.

Trong đó, ông Vũ Kim Toán (sinh năm 1955) góp 419,9 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 99,998%. Ông Toán cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của Du lịch Biển Đông.

Đáng chú ý, cùng ngày với đợt phát hành trái phiếu, ông Vũ Kim Toán đã thế chấp toàn bộ số cổ phần Du lịch Biển Đông đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) – ngân hàng mẹ của TCBS.

Nhận cầm cố số cổ phiếu có mệnh giá chỉ 420 tỷ đồng cùng thời điểm Du lịch Biển Đông phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu, Techcombank hẳn cũng có những lý do riêng.

Dữ liệu cho thấy, Du lịch Biển Đông còn nắm giữ 70% vốn điều lệ, với giá trị phần vốn góp là 280 tỷ đồng, tại Công ty TNHH Đức Việt (Đức Việt).

Công ty này được thành lập từ năm 2003, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tổ 2, ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, Huyện Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là nơi triển khai dự án Khu du lịch dịch vụ Bắc Bãi Trường (Khu I) có diện tích 36,81ha do Đức Việt làm chủ đầu tư (Khu du lịch Đức Việt).

Thời điểm công ty mẹ Dụ lịch Biển Đông phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu, dự án bất động sản của Đức Việt đã được triển khai tới giai đoạn 3 – “Khách sạn Melia Phú Quốc”. Nguồn vốn tín dụng mà Đức Việt thường xuyên tìm đến trong quá trình triển khai dự án là Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Nhiều dấu hiệu cho thấy, dự án Đức Việt đang triển khai còn có tên gọi thương mại là Sol Beach House Phu Quoc – khu nghỉ dưỡng 4 sao được phát triển bởi tập đoàn MIKGroup.

Một diễn biến mới nhất liên quan đến MIK Group, đó là vào tháng 6 vừa qua, Công ty CP chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS) có thông báo về việc đầu tư cổ phần Công ty CP Tập đoàn MIK Group Việt Nam với tổng giá trị đầu tư tối đa 450 tỷ đồng.

Theo đó, TCBS sẽ đầu tư tối đa là 45 triệu cổ phần MIK Group, với giá mua tối đa là 10.000 đồng/cổ phần. Phương thức đầu tư là mua thứ cấp trên thị trường. Bên bán là các cổ đông phổ thông cá nhân của MIK Group.

Thời gian TCBS thực hiện mua cổ phần MIK trong vòng 3 tháng kể từ ngày nghị quyết này được ký là ngày 3/6/2019. Thời hạn nắm giữ cổ phần MIK tối đa 12 tháng kể từ thời điểm đầu tư.

Như vậy, sau khi mua tối đa 45 triệu cổ phần MIK Group với trị giá 450 tỷ đồng, TCBS sẽ sở hữu tối đa 8,18% vốn điều lệ MIK Group, trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Tổng giám đốc MIK

Ngày 5-3-2019, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Công an TP, UBND quận 9, huyện Nhà Bè và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ đầu tư (nếu có) tại dự án The Park Residence (thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) và dự án Valencia (thuộc phường Phú Hữu, quận 9) theo quy định pháp luật.

Sau đó, thông báo kết quả xử lý đến Văn phòng Chủ tịch nước và Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30-3.

Trước đó, UBND TP đã nhận được công văn của Văn phòng Chủ tịch nước và Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị giải quyết phản ánh, bức xúc của khách hàng đối với các sai phạm của Tập đoàn Anpha Holdings và Tập đoàn MIK Group tại dự án The Park Residence và dự án Valencia.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, vào tháng 1-2019, đơn vị này đã nhận được công văn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Vũng Tàu chuyển nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân đối với các sai phạm của Tập đoàn Anpha Hodings, Tập đoàn Mailk Group trong việc thực hiện dự án The Park Residence và dự án Valencia như: sai phạm liên quan đến vấn đề xây dựng, phòng chống cháy nổ, chiếm dụng vốn, chiếm đoạt lãi suất, thu tiền của khách hàng nhưng không bàn giao nhà.

Ngoài ra, tại 2 dự án này còn bị “tố” thu các khoản phí bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà, khu đô thị không theo quy định của pháp luật và không phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng khi khách hàng đóng tiền mua sản phẩm của tập đoàn…

Huy Anh/Sở hữu Trí tuệ