Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán USD với giá thấp

Tỷ giá USD/VND bắt đầu tăng mạnh từ ngày 17/3 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – Fed hạ lãi suất khẩn cấp về 0-0,25%. Từ mốc 23.310 đồng, mỗi USD đã vọt lên 23.370 VND hôm 18/3 và tăng tiếp hàng chục đến hàng trăm đồng những ngày sau đó. Đến chiều 23/3, mỗi USD ngân hàng leo lên 23.710 đồng, tăng 70 đồng so với sáng, và tăng tới 340 đồng so với cách đây 5 ngày. 

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng vọt hơn 100 đồng vào cuối giờ chiều nay, đưa giá bán chạm 24.000 đồng. Giá mua tăng mức tương tự, lên 23.850 đồng, đắt hơn 300-400 đồng so với tuần trước. 

Chủ các điểm mua bán USD tại TP HCM cho hay, từ hôm qua đến nay, nhu cầu mua đôla Mỹ của người dân khá cao khiến giá bán tăng mạnh. “Giao dịch mua bán USD trở nên sôi động hẳn, đa số là mua vào”, chủ điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Lê Lợi, quận 1 nói.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thuonwg mại ở TP HCM. Ảnh: Lệ Chi.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thuonwg mại ở TP HCM. Ảnh: Lệ Chi.

Lãnh đạo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank cũng cho biết, ngày nay nhu cầu ngoài thị trường cao nên đẩy giá USD tăng nhanh. Bên cạnh đó, theo ông còn do yếu tố tâm lý chi phối khiến giá đồng bạc xanh tăng nhanh hơn.

Tuy nhiên, vị này cho rằng tỷ giá chỉ biến động “nóng” trong thời gian ngắn và có tính chất cục bộ. Còn hiện nay thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khá ổn. Hơn nữa, giá USD tăng nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép, thậm chí còn cách khá xa mức trần.

Hôm nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố 23.259 đồng, tăng 7 đồng so với cuối tuần. Với biên độ +/- 3% theo quy định, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch ở 22.561 – 23.957 đồng. 

Chia sẻ về diễn biến trên, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, tỷ giá có xu hướng tăng trong tuần gần đây khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Còn thanh khoản trong nước vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Vụ trưởng cho biết, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3. Trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương. 

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện tài chính cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tỷ giá tăng gần đây là do kinh tế thế giới bất ổn khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản và trú ẩn vào đồng USD, khiến chỉ số đồng bạc xanh lên giá. Theo đó, tiền đồng cũng bị mất giá tương tự các loại tiền tệ khác.

Ngoài những nguyên nhân trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, tiền đồng bị suy yếu có thể còn do đầu vào USD đang bị chậm lại khi thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là châu Âu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Dự đoán về xu hướng sắp tới, ông Hiếu cho rằng USD sẽ đi lên, nhưng rất khó để dự đoán mức tăng cụ thể. Vì Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và sẽ can thiệp nếu cần thiết, để duy trì tỷ giá “ổn định ở mức tương đối” nhưng vẫn tạo được lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.

Trong khi đó, ông Độ nhận định xu hướng tăng của giá USD chỉ trong ngắn hạn. Ngân hàng Nhà nước có chủ trương ổn định tỷ giá và sẽ có sự can thiệp cần thiết, đặc biệt khi Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ.

Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng khẳng định, với tiềm lực ngoại tệ sẵn có hiện nay, cơ quan này sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán thấp hơn niêm yết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát và điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

Quỳnh Trang – Lệ Chi