Ngân hàng phục vụ riêng giới ‘siêu giàu’

Sau gần hai năm hợp tác, Ngân hàng Quân đội (MB) cùng với Bordier & Cie – “ông trùm” ngành Private Banking (dịch vụ ngân hàng cá nhân, chuyên về quản lý tài chính chuyên biệt) vừa ra mắt dịch vụ ngân hàng chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam, chỉ dành cho khách hàng có tài sản lớn. 

Theo lời ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB, khách hàng thuộc nhóm đối tượng mà nhà băng hướng đến này phải có tài sản trị giá từ một triệu USD trở lên (tương đương hơn 23 tỷ đồng). “Hiện số khách hàng thỏa điều kiện này ở MB và sẽ nằm trong danh sách phục vụ đầu tiên này là khoảng hơn 500 người”, ông bật mí và cho biết sẽ còn tăng nữa vì hiện toàn thị trường có hơn 10.000 người thuộc đối tượng này. 

Những khách hàng “siêu giàu” này sẽ được nhà băng phục vụ trọn gói các dịch vụ ngân hàng, giải pháp về đầu tư, bảo hiểm, tín dụng; được hỗ trợ hoạch định tài sản… Đặc biệt, mỗi khách hàng sẽ do một giám đốc tư vấn quản lý tài sản (được đào tạo theo chuẩn Thuỵ Sỹ) phụ trách, hỗ trợ để giúp họ thực hiện các mục tiêu cũng như mọi nhu cầu đề ra. Những giải pháp tư vấn này được thiết kế chuyên biệt và “may đo” dựa trên từng nhu cầu và mong muốn của khách hàng. 

Ngoài ra, nhóm “đại gia” này còn có thể tiếp cận các dịch vụ chuẩn quốc tế thông qua mạng lưới đối tác hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực. Bao gồm các dịch vụ như bác sĩ gia đình, hỗ trợ tiện ích cá nhân và phong cách sống, dịch vụ tư vấn định cư di trú, chuyển giao thừa kế tài sản và lập kế hoạch tài chính, dịch vụ quản trị gia đình. Các đặc quyền này được cho là sẽ đem lại trải nghiệm sống xứng tầm thượng lưu dành riêng cho các khách hàng cao cấp.

Không gian giao dịch cho khách thượng lưu của MB. 

Thực tế, dịch vụ tài chính chuyên biệt này đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhằm phục vụ các cá nhân có tài sản lớn, còn Việt Nam giờ mới bắt đầu. Nguyên nhân được cho là trước đây số người giàu ở nước ta rất ít và họ thường tự đi tìm kênh này hay kênh khác từ nước ngoài, chứ không chính thống và được bảo vệ một cách chặt chẽ. 

Hiện, theo Tổng giám đốc MB, nhóm này đang tăng trưởng ngày một ấn tượng cả về số lượng lẫn khối lượng tài sản (hiện ước chừng Việt Nam có hơn 10.000 người giàu và sẽ còn tăng nhanh). Do đó, ngành tài chính – ngân hàng trong nước cần giải pháp toàn diện, có tính cá nhân hóa cao nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của tầng lớp thượng lưu này.

Trước MB, thị trường có VPBank và Techcombank là những ngân hàng cũng đáng chú ý với một số dịch vụ dành cho khách hàng cao cấp (VIP) mặc dù chưa thật sự toàn diện về giải pháp và hệ thống chuyên biệt

Những khách hàng VIP tại VPBank được hưởng đặc quyền phục vụ bởi một chuyên viên quan hệ khách hàng riêng, được ưu tiên thời gian phục vụ, lựa chọn tài khoản số đẹp. Nhà băng này cũng có dịch vụ phòng chờ Diamond Elite Lounge dành cho khách VIP tại sân bay với số lượt phục vụ không hạn chế.

Còn tại Techcombank, khách hàng VIP bao gồm 3 hạng hội viên Bạch Kim, hội viên Vàng và hội viên Bạc. Đối với hội viên Bạch Kim thì cần duy trì số dư tiền gửi bình quân trong 3 tháng liên tiếp từ 5 tỷ đồng trở lên… Khi đó, các khách hàng cao cấp tại đây được sử dụng các gói sản phẩm ưu tiên liên quan đến tiết kiệm, tài khoản thanh toán, thẻ và cho vay. Ngoài ra, khách cũng được phục vụ bởi đội ngũ chuyên biệt tư vấn các sản phẩm đầu tư, bảo hiểm với không gian giao dịch riêng…

Nhìn nhận diễn biến trên, giới chuyên gia tài chính cho rằng đây là xu thế tất yếu. Bởi không chỉ Việt Nam, các nước mới nổi ở châu Á là nơi có nhiều công ty thuộc sở hữu của gia đình. “Chủ doanh nghiệp gây dựng một khối tài sản khổng lồ và họ có nhu cầu tìm kiếm những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp nhằm được tư vấn những cách hiệu quả để chuyển lại tài sản của họ cho thế hệ tiếp theo”, đại diện Bordier & Cie (Thụy Sỹ) nhìn nhận.

Tuy nhiên, để chinh phục được nhóm khách hàng “đại gia” này sử dụng dịch vụ, các nhà băng đối diện không ít thách thức. Bởi yêu cầu của nhóm người giàu này rất cao và khắt khe, trong khi dịch vụ chuyên biệt của ngân hàng Việt thì gần như đang vào giai đoạn “vừa làm vừa thử”. 

Liên quan đến đặc điểm chủ đạo của dịch vụ này là sự riêng tư và tính tuyệt đối về bảo mật thông tin khách hàng, khiến không ít người quan ngại liệu có ảnh hưởng gì đến tiêu chí phòng chống rửa tiền tại Việt Nam. Ông Lưu Trung Thái – CEO MB cho rằng, bảo mật thông tin cá nhân là quy định chung của cả ngành, nhưng nó cũng minh bạch khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. 

Hơn nữa, bảo mật ở đây được ông giải thích là bảo mật về hệ thống. MB đã đầu tư một hệ thống công nghệ tách biệt ra so với các hệ thống Core Banking thông thường khác để phục vụ riêng nhóm này. Trong nội bộ ngân hàng, tài sản và thông tin của khách hàng được bảo mật riêng và bảo vệ khá chắc chắn theo tiêu chuẩn Thuỵ Sỹ và nó không dễ tiếp cận theo các tiêu chuẩn thông thường mà thôi.

Lệ Chi