Ngành hàng không sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng hơn bởi Covid-19 trong quý 2/2020

Dịch COVID-19 ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Dịch đang gây áp lực nên toàn nền kinh tế, đặc biệt ngành hàng không đã, đang và tiếp tục ‘ngấm đòn’ nặng nề.

Ghi nhận trước ca nhiễm thứ 17, chỉ tính đến giữa tháng 2/2019 toàn ngành đã thiệt hại 10.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, hàng không Việt Nam mất bình quân 400.000 lượt khách/tháng.

Sự ảnh hưởng của Covid-19 trong quý 1/2020 phần nào được hỗ trợ bởi nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, trong khi quy định giãn cách xã hội bắt đầu được thực hiện trong tháng 4, do đó BVSC cho rằng mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn trong quý 2 khi các hãng bay chỉ được phép khai thác các tuyến nội địa khi hết hiệu lực cách ly xã hội.

Doanh thu từ khách quốc tế khó có thể hồi phục trở về như mức trước sụt giảm

Covid-19 đã cho thấy những ảnh hưởng rõ rệt bắt đầu từ cuối quý 2/2020, tác động lên cả du khách nước ngoài cũng như nhu cầu nội địa, ghi nhận tại báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Việc dừng toàn bộ các đường bay quốc tế từ giữa tháng 3 và duy trì cầm chừng các đường bay nội địa ở mức tối thiểu từ đầu tháng tư với quy định giãn các hành khách, khiến số lượng chuyến bay khai thác của các thương hiệu trong tập đoàn đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ quý trước.

Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát dịch tương đối tốt, do đó BVSC cho rằng các tuyến bay sẽ từng bước được mở lại, tuy nhiên nhu cầu sẽ khó có thể hồi phục trở về như mức trước sụt giảm.

Lượng khách quốc tế đến Việt nam bằng đường hàng không trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 2,99 triệu người (giảm 15%). Trong đó, lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt -32%, -26% và -14%, đây đều là những thị trường quan trọng với Việt Nam do sự tương đồng về văn hóa và thuận lợi về mặt vị trí địa lý. Riêng 3 thị trường này đã chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt nam trong 3 tháng đầu năm.

Dựa trên số liệu của Tổng cục Du lịch Việt nam, với giả định khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không duy trì tỷ lệ 80%, BVSC cho rằng các chuyến bay quốc tế có thể từng bước được nối lại trong quý 3, với du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất.

Với lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước sụt giảm 69%, ASK quốc tế của Vietnam Airlines (HVN) sẽ giảm 56% (với giả định HVN vận chuyển 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không).

Doanh thu nội địa phục hồi nhanh hơn

Hiện tại HVN đang khai thác 116-166 chuyến bay/ngày, ước bằng khoảng 30% so với thời điểm trước dịch. Sau ngày 17/5, toàn bộ các chuyến bay nội địa sẽ được khai thác trở lại, nâng tổng số chuyến bay khai thác của HVN lên mức 142-196 chuyến/ngày.

Với giả định dịch bệnh được kiểm soát tốt và không bùng phát trở lại ở Việt Nam, các chuyến bay nội địa sẽ dần hồi phục nhờ nhu cầu đi lại cho mục đích công việc và du lịch, và tăng mạnh hơn vào thời điểm cuối năm. Tuy vậy với tâm lý thận trọng của người dân, BVSC cho rằng nhu cầu đi lại sẽ không thể phục hồi ngay lập tức trở lại mức như trước khi có dịch bệnh

Trong năm 2019, HVN đã giảm giá vé máy bay nhằm cạnh tranh với hãng hàng không Bamboo Airways. BVSC tin rằng, trong năm nay, HVN sẽ tiếp tục giảm giá vé cho các tuyến nội địa nhằm nắm bắt nhu cầu đi lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đáp trả lại các chương trình ưu đãi khách hàng do các hãng bay khác thực hiện. Mới nhất là việc Tổng công ty sẽ mở thêm 5 đường bay mới, với tần suất khai thác mỗi tuyến bay là 3 chuyến/tuần, với giá vé chỉ từ 99.000 đồng/chặng trong khoảng thời gian 13/5-30/6.

Cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hiệu quả khai thác chung gặp nhiều khó khăn, thị trường quốc tế vẫn đang đóng của vô thời hạn, chúng tôi cho rằng passenger yield của HVN trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 3% so với năm trước. Kết thúc năm 2019, passenger yield của HVN là 1.839 đồng/pax (-1,85%).

Trong cuối quý 1/2020 và đầu quý 2/2020, lượng tàu bay lớn trong khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh. Tuy vậy, tác động tiêu cực đã phần nào được bù đắp bởi chi phí nhiên liệu mỗi ASK thấp hơn do (1) đội tàu bay tiết kiệm nhiên liệu hơn và (2) ảnh hưởng tích cực từ diễn biến điều chỉnh giảm giá nhiên liệu máy bay. Bên cạnh đó, chính sách nghỉ không lương, giảm lương và làm việc luân phiên cũng đã giúp công ty tiết kiệm được đáng kể chi phí khai thác trong thời điểm này.

Mặc dù giá dầu đang dần hồi phục từ đầu tháng 5 nhưng vẫn đang tương đối thấp so với mặt bằng giá năm 2019. Cùng với đội tàu bay trẻ, tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp sẽ rõ ràng hơn trong 2 quý cuối năm. Theo tính toán của BVSC biên lợi nhuận gộp trong năm 2020 của HVN giảm xuống 9,15% từ mức 11,37% trong năm 2019, do ảnh hưởng từ kết quả quý 1

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ