Nhiều doanh nghiệp “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng về hoạt động khai thác cát?

Tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Theo đó thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày là từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác vào ban đêm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác cát cả ngày lẫn đêm, khiến dư luận bất bình.

Toà soạn Thương hiệu & Sản phẩm liên tục nhận được phản ánh của người dân sinh sống ven sông Hồng và sông Đà thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ về tình trạng các doanh nghiệp khai thác cát cả ngày lẫn đêm.

Nhiều doanh nghiệp “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động khai thác cát tại các điểm mỏ.

Theo đó, hàng loạt điểm mỏ vẫn được các doanh nghiệp cho khai thác rầm rộ hoạt động hết công suất, vang vọng cả một vùng trời đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng qua khảo sát thực địa của phóng viên trong nhiều ngày, thấy không có bóng dáng của lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý (?)

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm đã có mặt tại hiện trường và ghi nhận phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại các điểm mỏ này vẫn ngang nhiên khai thác cả ngày lẫn đêm.

Tại nhiều điểm mỏ trên sông Hồng và sông Đà đoạn chảy qua địa bàn các xã: Xã Vĩnh Lại, xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao); xã Hương Nộn (huyện Tam Nông); điểm mỏ trên sông Đà thuộc xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy). Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại các điểm mỏ này ngang nhiên khai thác cả ngày lẫn đêm.

Cụ thể, tại điểm mỏ trên sông Hồng thuộc địa phận xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) cấp cho Công ty Cổ phần Đại Bảo Phú Thọ và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phú Đức khai thác hoạt động hết công xuất, nhộn nhịp cả một khúc sông, hàng chục khối cát chất đầy tàu.

Ông Thân Văn Thanh, người sống gần điểm mỏ nói trên cho hay: “Khai thác từ 4h sáng cho đến 10h đêm mới nghỉ, từng chiếc tàu khai thác gầm rú vang vọng cả một vùng khiến bà con tại xóm không được yên giấc”.

“Tình trạng khai thác cát tại đây suốt ngày đêm gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đặc biệt là ảnh hưởng tới việc học tập của các cháu, gây mất tập trung khi học”. Một người dân địa phương sống gần mỏ cát là ông Thân Minh Phương bức xúc.

Bất chấp giấy phép khai thác được cấp, Công ty Cổ phần Đại Bảo Phú Thọ vẫn ngang nhiên khai thác vào ban đêm.

Còn tại điểm mỏ khai thác của Công ty Cổ phần Đại Bảo Phú Thọ, doanh nghiệp này có cắm biển thể hiện diện tích, vị trí, thiết bị và thời gian quy định trong giấy phép khai thác được cấp. Thế nhưng trái ngược với những gì tấm biển này thể hiện. Bất chấp quy định, Công ty Cổ phần Đại Bảo Phú Thọ vẫn ngang nhiên khai thác vào ban đêm, sai phạm nghiêm trọng so với Nghị định 23/2020/NĐ – CP của Chính phủ.

Hoạt động khai thác cả ngày lẫn đêm của Công ty Cổ phần Đại Bảo Phú Thọ làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, lượng tàu thuyền hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ ầm ầm vang vọng hẳn một vùng. Việc hút cát cả ngày lẫn đêm đang từng ngày đe dọa đến cuộc sống của người dân ven sông, de dọa đến sự an toàn bờ sông, gây ra sạt lở đất sản xuất và tạo ra những hố sâu cực nguy hiểm.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ tình trạng khai thác cát ngoài thời gian được cấp phép cho các đơn vị, doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân địa phương.

Đồng thời, cần kiên quyết xử lý các doanh nghiệp bất chấp quy định ngang nhiên vi phạm như Công ty Cổ phần Đại Bảo Phú Thọ và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phú Đức.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép (nếu có). Đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý để tình trạng khai thác cát “trái phép” ngang nhiên hoành hành gây thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Tạp chí điện tử Thương hiệu & Sản phẩm sẽ đăng tải chi tiết các video clip và ý kiến của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương … trong những kỳ tiếp theo

Điều 9 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông

Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Khoáng sản, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn quy định các nội dung sau đây:

1. Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; quy định về thời gian khai thác trong năm.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép khai thác:

a) Xác định ranh giới khu vực khai thác; cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông;

b) Tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật liên quan; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi;

c) Yêu cầu trong việc ký hợp đồng vận chuyển với các chủ phương tiện đủ điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác không trực tiếp vận chuyển cát, sỏi sau khai thác;

d) Yêu cầu việc lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi;

đ) Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm về phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp các giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp trước khi Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo Quốc Trường/THSP