Nhiều doanh nghiệp ráo riết ‘chạy đua’ mua lại trái phiếu trước hạn

Trong bối cảnh dòng tiền khó, nhiều doanh nghiệp của các ngành nghề đồng loạt xin giãn/hoãn trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Gần nhất, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách 54 doanh nghiệp xin được chậm trả tiền gốc, lãi trái phiếu cho thấy số lượng doanh nghiệp đang eo hẹp về dòng tiền rất lớn.

Tuy nhiên, dù đối mặt với khó khăn chung vẫn có những doanh nghiệp lại chi cả trăm tỷ đồng mua lại trái phiếu dù chưa đến hạn trả.

Cụ thể, một trường hợp điển hình với việc chi hàng trăm tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn phải kể đến Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX).

Lần gần nhất Tập đoàn này tiến hành mua lại trái phiếu là vào ngày 20/2, Gelex đã tiến hành mua lại 104,9 tỷ đồng trong số 122 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô BONDGEX/2020.02 và 45,4 tỷ đồng trong số 57,1 tỷ đồng đang lưu hành của lô BONDGEX/2020.01.

Cả hai lô trái phiếu trên đều được phát hành vào tháng 7/2020 và phải tới tháng 7/2023 mới đến ngày đáo hạn.

Đây đã là lần thứ 7 và thứ 8 doanh nghiệp tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn kể từ tháng 12/2022 cho đến nay. Tổng giá trị trái phiếu được GEX chi trả trong quãng thời gian này lên đến hơn 400 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Gelex từng đề cập tại ĐHCĐ thường niên 2022 là sẵn sàng tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nợ đối với khoản nợ trái phiếu khi đến hạn hoặc khi trái chủ có yêu cầu, góp phần lành mạnh hóa sức khỏe tài chính doanh nghiệp.

Một trường hợp khác nhất định phải nhắc tới là CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco, thành viên nhóm Geleximco) đã chi ra tới gần 1.500 tỷ đồng để mua lại toàn bộ lô trái phiếu DRGCH2123005 phát hành ngày 31/12/2021, kỳ hạn 24 tháng.

Theo đúng tiến trình, phải đến cuối năm 2023 doanh nghiệp mới phải tất toán lô trái phiếu trên nhưng Vạn Hương Investoco đã tiến hành mua lại vào ngày 18/1/2023, sớm hơn gần 1 năm so với ngày đáo hạn.

Theo tìm hiểu, đây là chủ đầu tư dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) có quy mô 480 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng.

Chủ dự án Khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân (Tên thương mại: La Vida Residneces) – CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Dương vào giữa tháng 2/2023 cũng đã hoàn tất việc mua lại trước hạn 400 tỷ đồng trái phiếu.

Số trái phiếu này nằm trong 5 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.200 tỷ đồng (đều có kỳ hạn 4 năm, lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên là 12%/năm) mà BĐS Đông Dương đã phát hành cách đây 3 năm, từ ngày 10/3 – 17/3/2020.

Ngoài những gương mặt tiêu biểu trên, nhiều cái tên quen thuộc trên thị trường cũng đồng loạt chi tiền tỷ để mua lại trái phiếu trước hạn như: CTCP Hưng Thịnh Land cũng công bố kết quả mua lại trước hạn một phần của lô trái phiếu phát hành vào tháng 8/2021, giá trị mua lại là 94,5 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (công ty con của Đất Xanh) chi gần 175 tỷ đồng mua lại trước hạn trái phiếu phát hành vào tháng 3/2021 hay như CTCP Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX) đã tiến hành mua lại 62,5 tỷ đồng trong số 385 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu HPXH2124001 có thời hạn 36 tháng, được phát hành vào ngày 5/5/2021,…

Trên thực tế, không phải đến năm 2023 việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước thời hạn mới xuất hiện, mà hiện tượng này đã diễn ra hàng loạt kể từ sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 4/2022.

Kể từ sau vụ việc ở Tân Hoàng Minh, rồi đến Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đứng trước thách thức mới trong nỗ lực làm minh bạch hóa thị trường, trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn hết sức nhạy cảm và được xã hội quan tâm.

Báo cáo trái phiếu doanh nghiệp tháng 1/2023 của FiinRatings nhận định hoạt động mua lại diễn ra theo đúng xu hướng được quan sát trong những năm qua, với lượng mua lại tăng vọt vào cuối các bán niên và giảm mạnh vào đầu năm.