Nhiều nghi vấn về hồ sơ thầu tại dự án BIIG1 Hà Giang?

Ngày 18/11, Ban quản lý dự án BIIG1 Hà Giang ra thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu hơn 200 tỷ đồng, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH xây dựng Tự Lập – nhà thầu quen của nhiều chủ đầu tư. Gói thầu thi công xây dựng công trình: Nâng cấp, cải tạo đường từ xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang đến xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang thuộc dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” – Tiểu dự án Hà Giang có giá dự toán 231,2 tỷ đồng sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) được mở thầu qua mạng ngày 18/03/2020 tại Ban quản lý dự án BIIG1 Hà Giang với 5 nhà thầu tham dự.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Công ty Tự Lập đã xuất hiện nhiều nghi vấn xung quanh: Có hay không nhà thầu sử dụng trùng lặp nhân sự và thiết bị cho hàng chục gói thầu, sử dụng văn bản xác nhận kinh nghiệm cán bộ thi công thiếu tính pháp lý (Xác nhận thiếu dấu giáp lai của Ban quản lý các chương trình dự án về quy hoạch và đầu tư huyện Thanh Sơn do Phó Trưởng ban Nguyễn Minh San ký ngày 02/03/2020 đối vớigói thầu số 08: thi công xây lắp công trình cầu qua Sông Bần, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn).

Tiêu chí mời thầu phần nhân sự với 20 cán bộ của Gói thầu số HG-01 được thực hiện năm 2020.

Xác nhận của Ban quản lý các chương trình dự án về quy hoạch và đầu tư huyện Thanh Sơn cho gói thầu vốn trong nước mà Tự Lập thực hiện năm 2014 lại trùng khớp với gói HG-01 của Hà Giang sử dụng vốn ADB được thực hiện năm 2020.

Theo chuyên gia tư vấn đấu thầu Nguyễn Hoàng Minh, tình trạng nhà thầu sử dụng nhân sự và thiết bị trùng lặp cho hàng chục gói thầu, sử dụng xác nhận kinh nghiệm cán bộ thi công thiếu tính pháp lý thì được biết đây là tình trạng khá phổ biến, các chủ đầu tư không hẳn không nắm được, đôi khi vì yếu tố khách quan nào đó họ buộc phải làm ngơ. Nhưng rõ ràng đây là hành vi gian lận.

“Nếu hành vi này được các cơ quan chức năng làm rõ sẽ phải xử lý theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Còn việc trao thầu, đương nhiên phải tuân thủ theo các điều kiện của nhà tài trợ để không ảnh hưởng tới quá trình giải ngân đối với vốn vay theo quy định của Chính phủ”., ông Minh nhận xét.

Tại Hồ sơ mời thầu có các phần khuyến cáo rất cụ thể đối với chủ đầu tư khi lựa chọn được nhà thầu mời vào thương thảo với giá thầu giảm sâu cần phải làm rõ những điểm giá vật tư vật liệu, nhà thầu giảm giá không có căn cứ, việc phải tăng giá trị thực hiện hợp đồng để bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư có thể được áp dụng bảo lãnh tới 40% cho giá trị hợp đồng, việc quản lý số tiền tạm ứng cũng cần được thắt chặt để không bị nhà thầu lợi dụng. máy móc thiết bị, nhân sự phải được tập kết đến nơi quy định theo đúng mã số chủng loại mà nhà thầu đã từng cam kết trong hồ sơ dự thầu không có chuyện chỉ mang đến cho đủ khi phát lệnh khởi công rồi lại được chuyển đi công trình khác, về phần này đây là trách nhiệm của chủ đầu tư.

Nhiều nghi vấn trong hồ sơ thầu?

Được biết hiện nay, Tự Lập đang cùng lúc thi công 34 công trình dở dang. Tuy nhiên, nhà thầu Tự Lập cũng đã dùng một số văn bản để chứng minh năng lực nhân sự như: Xác nhận của Ban Quản lý dự án xây dựng công trình hạ tầng thành phố Việt Trì do Phó Trưởng ban Nguyễn Giang Nam ký ngày 23/02/2020 đối với gói thầu: Gói thầu số 04/VT2 đường Trường Chinh (đoạn từ nút giao Quốc lộ 2 đến đê sông Lô) thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; Xác nhận của Ban Quản lý dự án xây dựng công trình hạ tầng thành phố Việt Trì do Phó Trưởng ban Nguyễn Giang Nam ký ngày 23/02/2020 đối với gói thầu 05: Thi công xây lắp dự án đường Thụy Vân – Thanh Đình – Chu Hóa, thành phố Việt Trì (đối với phần khối lượng xây dựng hoàn chỉnh nền đường, mặt đường, hệ thống thoát nước; Xác nhận của Ban quản lý các chương trình dự án về quy hoạch và đầu tư huyện Thanh Sơn do Phó Trưởng ban Nguyễn Minh San ký ngày 02/03/2020 đối với gói thầu số 08: Thi công xây lắp công trình cầu qua Sông Bần, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn. Tuy nhiên, một số Văn bản này không có dấu giáp lai nên khiến dư luận nghi ngờ về tính trung thực trong các văn bản này. Nếu các Văn bản xác nhận này là không đúng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Bên cạnh đó, dư luận cũng hoài nghi về việc làm giả và sử dụng cho nhiều chục gói thầu?

Các xác nhận thiếu tính pháp lý nhưng không được các Ban quản lý dự án xác minh.

Theo tìm hiểu của PV, Tự Lập cũng là một doanh nghiệp khá thân quen tại tỉnh Phú Thọ. Từ tháng 01/2020 đến nay, Công ty Tự Lập đã trúng thầu hơn 20 gói thầu trong đó phần lớn là các gói thầu tại tỉnh nhà Phú Thọ và có giá trị lớn điển hình như: Gói thầu ST-CW-04: Thi công xây dựng đê biển + đê sông – Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng có giá trị 279 tỷ đồng; Thi công xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 317C đoạn từ Km0+00 đến Km6+600 – Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khối kinh tế huyện Thanh Thủy có giá trị 167,6 tỷ; Gói thầu số 03: Thi công xây dựng công trình: Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ, vở sông đê tả Thao, thuộc địa bàn huyện Thanh Ba có giá trị 68,9 tỷ đồng; Gói thầu số 01: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình: Trường THPT chuyên Hùng Vương có giá trị 322,9 tỷ đồng; và mới đây là gói thầu LX-1: Thi công xây dựng đoạn Km134+000 – Km154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối Quốc lộ 1, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 với giá trị trúng thầu 1.687 tỷ đồng… điểm chung tại các gói thầu mà Công ty Tự Lập trúng là luôn có tỷ lệ giảm thầu siêu tiết kiệm.

Theo thông tin cập nhật đến đầu tháng 3/2019, Công ty Tự Lập có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, vốn tư nhân. Trong đó ông Hoàng Ngọc Hải sở hữu hơn 99% vốn tương ứng trên 693 tỷ đồng. Ông Hải có địa chỉ thường trú tại Khu Đồng Nhà Lạnh, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Nguyễn Văn Thỏa, sinh năm 1970, cùng nơi địa chỉ thường trú với ông Hải. Ông Thỏa sở hữu trên 0,4% vốn điều lệ.

PV