Ông chủ APEC Thái Nguyên bị TTCP kiến nghị công an điều tra sai phạm là ai?

Sai phạm nghiêm trọng

Thanh tra Chính phủ mới công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2018. Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều dự án sử dụng đất xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm pháp luật.

Trong số những dự án được “điểm mặt”, dự án khu dân cư số 5 (phường Túc Duyên, TP.Thái Nguyên) và KCN Điềm Thuỵ do công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Theo đó, tại dự án KDC số 5 phường Túc Duyên, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai 2003.

Dự án thực hiện cơ chế thanh toán tiền đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư cho nhà đầu tư bằng việc bù trừ tiền thu cấp quyền sử dụng đất đã có hạ tầng (thực chất là giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu dân cư số 5 phường Túc Duyên).

Phần diện tích 4,12 ha, tổng số 251 ô đất, trong đó có 6 ô tái định cư (từ ô 37 đến ô 42) với diện tích 492,62m, còn lại 245 ô công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên đã thực hiện chuyển nhượng (hiện trạng đã xây dựng nhà kiên cố) khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là vi phạm khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng đất.

Dự án khu dân cư số 5 phường Túc Duyên công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng (ảnh Báo Nhân dân).

Nối tiếp sai phạm, việc UBND tỉnh đối trừ số tiền gần 43 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị vào tiền sử dụng đất là không có cơ sở. Phần diện tích Công ty đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng là 3,23 ha, nằm trong tổng diện tích 15,364 ha bị thu hồi theo Quyết định số 3276/QĐ-

UBND ngày 25/11/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên – hiện nay đã có một số ô xây dựng nhà kiên cố với tổng diện tích 10.078,1 m2 có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Với những sai phạm tại dự án nói trên, Thanh tra Chính phủ kết luận trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP.Thái Nguyên, sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, và chủ đầu tư – tức công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị, giao UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hệ sinh thái tỷ đô của doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng

Về phía chủ đầu tư dự án số 5 Túc Duyên bị kiến nghị điều tra, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp Luật, công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên (gọi tắt là công ty APEC Thái Nguyên) được thành lập năm 2009, có trụ sở chính đặt tại phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Cập nhật mới nhất đến tháng 1/2021, người đại diện pháp luật của APEC Thái Nguyên là ông Đinh Quốc Đức (SN 1979, Hà Nội), hiện ông Đức đang nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc tại công ty này.

Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng do 4 cổ đông góp vốn, trong đó có 2 cổ đông cá nhân và 2 cổ đông là doanh nghiệp, tất cả đều liên quan đến đại gia Nguyễn Đỗ Lăng (SN 1974) – Chủ tịch APEC Group.

Cổ đông góp vốn lớn nhất là CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API) sở hữu 84% VĐL; tiếp đến là CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS) góp 15% vốn; hai cổ đông cá nhân còn lại là ông Nguyễn Duy Khanh và ông Nguyễn Đỗ Lăng mỗi người góp 0,5% – tương ứng 500 triệu đồng.

Được biết, ông Nguyễn Đỗ Lăng hiện là Chủ tịch API, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT APS. Còn ông Nguyễn Duy Khanh hiện là Tổng giám đốc của API.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng đang sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp đa ngành mang tiền tố APEC

Cả API, APS hay APEC Thái Nguyên đều là những mắt xích trong hệ sinh thái đa ngành mang tên APEC Group của đại gia Nguyễn Đỗ Lăng.

Ngoài những cái tên kể trên, APEC Group còn góp mặt tại hàng loạt doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Apec Group Việt Nam, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment), CTCP Đầu tư Anpha, Công ty thiết kế A Studio, CTCP Apec Land Huế, Công ty nội thất Kasa Grand, CTCP Đầu tư Bất động sản Everest Việt Nam…

Xuất phát điểm là một công ty chuyên về đầu tư tài chính, đến nay APEC Group còn được biết đến là “tay chơi” mới nổi trên thị trường bất động sản.

Không như nhiều tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư bất động sản tại thị trường lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, APEC Group tập trung vào quỹ đất tại các tỉnh lẻ như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Tổng mức đầu tư các dự án thưởng ở quy mô khủng hàng nghìn tỷ đồng, có thể kể đến như Apec Golden Valley Mường Lò tại Yên Bái (quy mô 16 ha; tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng); Khu đô thị Apec Royal Park Huế (34,7 ha; 10.000 tỷ đồng); Apec Aqua Park Bắc Giang (8.927 m2; 1.600 tỉ đồng); Apec Mandala Wyndham Mũi Né (4,5 ha; 2.000 tỉ đồng); Apec Diamond Park Lạng Sơn (55.432 m2; 1.500 tỷ đồng); Khu công nghiệp Apec Đa Hội tại Từ Sơn, Bắc Ninh (34,5 ha; 1.200 tỉ đồng); Khu công nghiệp Điềm Thuỵ, Thái Nguyên (170 ha; 2.000 tỷ đồng).

Cuối năm 2020, APEC Group tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xin chủ trương đầu tư dự án sân golf Apec Mandala (403ha) và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng thương mại dịch vụ Apec Mandala Grand (293ha) có tổng quy mô 696 ha tại huyện Thạch Hà. Cả 2 dự án này đều được đề xuất xây dựng tại các xã Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Hội của huyện Thạch Hà.

Hàng loạt dự án tai tiếng

Tuy nhiên, song hành với tốc độ phát triển và quy mô lớn trong lĩnh vực bất động sản, APEC Group không tránh khỏi những lùm xùm, tai tiếng tại các dự án do tập đoàn triển khai.

Không chỉ có Dự án khu dân cư số 5 Túc Xuyên, Thái Nguyên bị thanh tra, trước đó, APEC Group liên tục được nhắc đến trong những sai phạm tại nhiều dự án, có thể kể đến Royal Park Bắc Ninh (Bắc Ninh), Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Mandala Wyndham Mũi Né (Bình Thuận)…

Tại dự án Royal Park Bắc Ninh, đây được coi là dự án hoành tráng bậc nhất tại tỉnh Bắc Ninh. Song, chủ đầu tư là công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (công ty thành viên của APEC Group) đã vướng vào nhiều sai phạm, liên tục bị xử phạt hành chính với tổng tiền phạt hơn 470 triệu đồng.

Dự án Royal Park Bắc Ninh – một trong nhiều dự án dính tai tiếng của APEC Group.

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt hành chính 80 triệu đồng với chủ đầu tư dự án này về hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Đến tháng 11/2018, UBND tỉnh lại ra văn bản xử phạt chủ đầu tư dự án này với số tiền 340 triệu đồng vì vi phạm khi công khai không đúng các nội dung về dự án bất động sản theo quy định. Hồi tháng 6/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ban hành quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư với số tiền 52,6 triệu đồng.

Tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư và đơn vị phân phối chưa thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản.

Ngoài ra, sản phẩm căn hộ condotel mà APEC Group và các công ty môi giới (Khải Hoàn Land, CLand) đang rao bán, nhận tiền huy động vốn từ nhiều khách hàng thực chất lại không hề tồn tại trong quy hoạch của dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né…

Bức tranh tài chính

Sở hữu nhiều dự án BĐS quy mô “khủng”, song lợi nhuận mà APEC Group thu về chỉ lẹt đẹt ở mức vài triệu đến chục triệu đồng.

Về tình hình kinh doanh, APEC Group còn ghi danh trong cuộc đua phát hành trái phiếu với lãi suất huy động cao hơn từ 40-70% so với mức bình quân và dẫn đầu nhóm trái phiếu bất động sản.

APEC Group của doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng liên tục tung ra thị trường các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp như Abond lãi suất 8%/năm, Ibond lãi suất 13%/năm và đỉnh cao là Happy18 Bond với lãi suất tới 18%/năm – mức lãi suất cao nhất của trái phiếu bất động sản hiện nay.

Tuy lãi suất hấp dẫn như vậy, APEC Group chỉ thu về vỏn vẹn 8,1 tỷ đồng trong đợt phát hành lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng hồi giữa tháng 12/2020.

Lô trái phiếu kể trên là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Được biết, năm 2021, APEC Group vẫn tiếp tục miệt mài huy động vốn thông qua kênh trái phiếu dù gặp khó khăn do vướng nhiều quy định ngặt nghèo hơn trước đây.

Đi giữa lằn ranh của lãi suất cao tương ứng với rủi ro cao, mới đây nhất, sự phát triển nóng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã khiến bộ Tài chính đưa ra cảnh báo với nhà đầu tư.

Tổng tài sản của tập đoàn này tăng dần qua các năm, và duy trì ở mức hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Không giống như việc đầu tư cổ phiếu trên sàn chứng khoán, khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu như APEC Group không phải công ty niêm yết đại chúng, nhà đầu tư khó nhận diện được bức tranh tài chính của DN ngoại trừ bản chào bán trái phiếu nên mức độ rủi ro thông tin cao hơn.

Doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.

Và đương nhiên, đối với những doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu lớn, lãi suất cao tới hoang đường, khi doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư thì rủi ro nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu toàn bộ.

Theo Người Đưa Tin Pháp luật