Ông chủ Eurowindow sai phạm hàng loạt ở dự án tại Nha Trang: Kiến nghị xử lý ai?

Dự án nằm trên diện tích chưa được vùng 4 Hải Quân bàn giao

Một trong số các dự án sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Thông báo Kết luận Thanh tra mới đây phải kể đến là Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang tại các lô D12a, D12b, D12c Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.

Chủ đầu tư Dự án này là Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang. Giấy CNĐT lần đầu số 7121000084 ngày 19/5/2008. Diện tích thuê đất 333.328 m2 (đã chuyển mục đích 58.771 m2 từ đất TMDV sang đất ở nông thôn không hình thành đơn vị ở). Đến thời điểm thanh tra dự án chưa hoàn thành.

Theo Thanh tra Chính phủ, một số vi phạm tại Dự án, đó là: UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy CNĐT lần đầu năm 2008, điều chỉnh lần thứ 1 năm 2009 để thực hiện dự án trên diện tích chưa được Vùng 4 Hải Quân bàn giao cho tỉnh là vi phạm pháp luật về đầu tư. (Vùng 4 Hải quân bàn giao cho tỉnh từ ngày 05/02/2010).

Vi phạm tiếp theo là Dự án chậm tiến độ: Theo Giấy CNĐT lần đầu ngày 19/5/2008 thời hạn thi công và hoàn thiện công trình đến hết ngày 20/10/2015, nhưng đến thời điểm thanh tra dự án chưa hoàn thành.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, để xảy ra các vi phạm trên đây, người phải chịu trách nhiệm là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan, Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng; Trưởng BQL các dự án KDL Bắc bán đảo Cam Ranh và Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm.

Để xử lý vi phạm tại Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các khối lượng còn lại để đưa dự án vào hoạt động; nếu vi phạm cam kết, tiếp tục chậm tiến độ phải xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật;

Xác định tiền sử dụng đất, chống thất thu NSNN (trong đó có cả việc rà soát khi dự án đã được phê duyệt thay đổi quy hoạch xây dựng); Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị kỷ luật Chủ tịch, các Phó Chủ tịch liên quan

Theo kết luận của TTCP, có 3 trường hợp là cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước quản lý đã chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Cụ thể: Thứ nhất là nhà đất số 68 Thống Nhất (phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang), chi nhánh Công ty CP đấu giá và dịch vụ bất động sản Thiên Việt Khánh Hòa không niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi đấu giá; không thực hiện đầy đủ việc thông báo công khai ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bán đấu giá tài sản.

“Chịu trách nhiệm về vi phạm là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Phó chủ tịch có liên quan; Giám đốc các sở, ngành có liên quan, tổ chức tư vấn bán đấu giá”- kết luận nêu.

TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa xác định lại tiền sử dụng đất, chống thất thu ngân sách nhà nước; kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và các quyết định có liên quan khi bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 68 Thống Nhất.

Thứ hai là nhà đất số 01 đường Quang Trung (phường Vạn Thắng, Nha Trang) không có trong phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt. TTCP phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát việc thực hiện Quyết định 09/2007 liên quan đến việc này và xác định lại giá đất để thu tiền sử dụng đất, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Thứ ba là nhà đất số 9B đường Hoàng Hoa Thám (phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang), chi nhánh Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Trung Nam tỉnh Khánh Hòa không niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá; không thực hiện việc thông báo công khai về việc bán đấu giá.

Chịu trách nhiệm về vi phạm là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Giám đốc các sở ngành có liên quan. Đối với cơ sở nhà đất này, ngoài việc kiến nghị rà soát lại các quy định pháp luật khi bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, TTCP đề nghị xác định lại tiền sử dụng đất, rà soát việc sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, xác định lại tiền sử dụng đất chống thất thu ngân sách nhà nước.

TTCP kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, tập thể và cá nhân theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị Thủ tướng xử lý kỉ luật nghiêm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu đối với Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; kiến nghị hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với các Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan về những vi phạm đã nêu trong kết luận.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan và chỉ đạo xử lý cán bộ thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh.

“Trong quá trình kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý cán bộ nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tư lợi thì phải kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”, kết luận nêu.

Chân dung ông chủ Eurowindow

Theo tìm hiểu của chúng tôi, pháp nhân chính của Tập đoàn Eurowindow là CTCP Eurowindow Holding (EWH) được thành lập tại Vĩnh Phúc từ năm 2007.

Tới cuối năm 2019, theo báo cáo tài chính tổng tài sản hợp nhất của EWH là 14.816 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn là hàng tồn kho (3.037 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ), các khoản phải thu ngắn và dài hạn (6.716 tỷ đồng), tài sản cố định (918 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Eurowindow, một công ty đang thể hiện tham vọng tham gia vào thị trưởng địa ốc tỷ USD

EWH đóng vai trò công ty một Holdings, đầu tư và rót vốn vào 11 pháp nhân có liên quan: gồm CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghệ Cao (tỷ lệ 95,7%); CTCP Đầu tư Trung thâm Thương mại Vinh (95%); CTCP Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (51,45%), CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (44,67%); CTCP Eurowindow Quảng Bình Luxury (80%); CTCP Eurowindow Quảng Bình Five Star (80%); CTCP Đầu tư Xây dựng toà nhà Mê Linh (50%); CTCP Eurowindow (53,27%); Công ty TNHH Cửa sổ nhựa Châu Âu (52,86%) và CTCP Nam Bắc (52,21%).

Trong đó, hệ sinh thái của Eurowindow bao gồm các công ty liên kết: CTCP Quản lý và Khai thác tổ hợp Trung tâm Văn hoá – Thương mại và Khách sạn Hà Nội – Matxcova (29,57%); CTCP Đầu tư T&M Hà Tây (13,94%); Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Xây dựng số 2 Hà Nội (25,73%); CTCP Vinafacade (12,05%) và CTCP Bài hát Yêu thích (50%).

Ngoài ra, EWH còn ba khoản đầu tư tài chính khác đáng chú ý là 19% ở CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang; 18% tại CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội – Matxcova và 11,6 tỷ đồng vào Ngân hàng Techcombank

Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EWH là 3.129 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính thể hiện Techcombank, nơi Chủ tịch EWH Nguyễn Cảnh Sơn đang là Phó Chủ tịch HĐQT là chủ nợ lớn nhất của EWH với số dư nợ ngắn hạn đến cuối năm ngoái là 531 tỷ đồng, xếp sau là Vietinbank (249 tỷ đồng), Vietcombank (184 tỷ đồng).

Về cơ cấu sở hữu, Chủ tịch Nguyễn Cảnh Sơn trực tiếp nắm 8,5% cổ phần EWH, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Chi có 0,5%, 91% còn lại thuộc về CTCP EuroFinance – một pháp nhân được thành lập năm 2010.

Tính đến tháng 6/2018, vốn cổ phần của EuroFinance là 200 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Cảnh Sơn chiếm chi phối 60%, Công ty TNHH European Plastic Window (British Virgin Islands) nắm 30%, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi và ông Nguyễn Cảnh Hồng chia đều 10% còn lại.

Tới cuối tháng 10/2019, EuroFinance tăng mạnh vốn lên 2.430 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông mới không được tiết lộ, song pháp nhân ngoại European Plastic Window không góp thêm vốn và giảm mạnh tỷ lệ sở hữu về 2,47%. Giai đoạn trước đây, của chúng tôi thể hiện EuroFinance từng thế chấp hàng chục triệu cổ phần EWH ở Ngân hàng BIDV.

Về đội ngũ lãnh đạo, HĐQT ngoài ông Nguyễn Cảnh Sơn còn có hai thành viên Nguyễn Thị Quỳnh Chi và bà Nguyễn Thị Phương Lan, trong đó bà Phương Lan được bổ nhiệm ngày 19/11/2019 thay cho bà Vũ Thị Dung.

Trong khi đó, Ban TGĐ cũng khá tinh gọn khi chỉ có hai người, là Tổng giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Chi và Phó TGĐ Hannes Romauch; bà Vũ Thị Dung trước đây giữ chức Phó TGĐ song cũng đã bị miễn nhiệm vào ngày 26/11/2019.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu hợp nhất của EWH năm 2019 là 3.626 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Trong đó ghi nhận tốc độ tăng mạnh từ hoạt động bán hàng với biên độ 26% lên 2.771 tỷ đồng và chiếm tới 3/4 nguồn thu của EWH.

Ở chiều ngược lại, doanh thu từ kinh doanh bất động sản lại giảm 27% về còn 408 tỷ đồng và chỉ chiếm chừng 1/10 tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Trừ đi các khoản chi phí, lãi hợp nhất sau thuế của EWH năm 2019 là 430 tỷ đồng, tăng 5,7% so với kết quả năm 2018, trong đó lợi nhuận công ty mẹ là 285 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 145 tỷ đồng.

Nhờ chính sách chuyển lỗ từ năm 2014, thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty mẹ Eurowindow Holdings các năm gần đây đều là 0 đồng dù công ty có lãi hàng trăm tỷ đồng.

Báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2019 của Công ty Cổ phần Eurowindow Holding (Eurowindow Holding) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Dù kinh doanh có lãi lớn, song báo cáo của Eurowindow Holding ghi nhận mức lãi trước thuế tương đương với lãi sau thuế, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều tương tự cũng diễn ra trong năm 2018, Eurowindow Holding cũng không phải nộp thuế dù có lãi gần trăm tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của công ty cho biết, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, tính ra công ty phải nộp khoảng 32 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, thực tế khoản thuế thu nhập doanh nghiệp này là 0 đồng do Eurowindow Holding đã chuyển lỗ từ các năm trước sang 24,1 tỷ đồng và loại trừ 8,7 tỷ đồng thu nhập không chịu thuế.