Phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong vòng 10 năm qua, ĐBSCL đã liên tiếp phải hứng chịu hai đợt hạn hán, xâm nhập mặn phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; hơn 1,3 triệu người dân trong vùng đã rời quê hương, như là một trong những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, để có một cuộc sống ổn định hơn… đó là những con số đáng báo động đã xảy ra ở vùng đồng bằng của gần 20 triệu dân.

Hạn hán ngày càng khốc liệt tại ĐBSCL. Ảnh: Internet

Mới đây, trao đổi với TTXVN, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và khó dự báo.

Trong đó, tài nguyên nước của vùng bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu và từ việc khai thác sử dụng nước phía thượng nguồn. Hệ quả của nó là dòng chảy trên sông Mekong suy giảm nghiêm trọng, đạt mức thấp kỷ lục dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt… kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường đã xảy ra những năm gần đây.

Các nghiên cứu, đánh giá của Việt Nam và quốc tế cũng cho thấy các thay đổi của hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL bị tác động bởi các lý do như: xâm nhập mặn vào sâu nội địa xảy ra sớm, ranh mặn đã sâu hơn trung bình từ 5-15 km; kỷ lục năm 2019-2020, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10-25 km và kéo dài, được đánh giá là nghiêm trọng. Độ mặn cũng cao hơn. Theo số liệu đo tại các trạm mùa khô 2019-2020, độ mặn cao hơn từ 1-7g/l so với trung bình nhiều năm.

Bên cạnh đó, chế độ dòng chảy trên dòng chính sông Mekong chịu ảnh hưởng lớn của việc vận hành tích nước từ các hồ chứa thượng nguồn và khai thác sử dụng nước của các quốc gia ven sông, đã ảnh hưởng và làm trầm trọng hóa tình trạng hạn hán, thiếu nước ở hạ du.

Theo ước tính sơ bộ, tổng lượng nước sử dụng gia tăng thêm trong mùa khô 2019-2020 ở các quốc gia thượng nguồn hạ lưu vực sông Mekong tăng khoảng 3,6 tỉ m3 so với trung bình nhiều năm (tăng khoảng 25%).

Theo thống kê từ các địa phương, mức độ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất (từ 6-24/3/2020) tổng cộng có khoảng 96.000 hộ gia đình với khoảng 430.000 người dân.

Trong khi đó, các cửa sông ở ĐBSCL bị bào xói sâu hơn do những năm gần đây lũ thấp, lượng phù sa ít, tạo điều kiện thuận lợi cho mặn lên cao; đặc điểm địa hình vùng đồng bằng này bằng phẳng và thấp ngang mực nước mặt biển, không có nhiều hồ chứa, hồ điều hoà, nên khả năng giữ nước kém và phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước được cung cấp từ thượng nguồn sông Mekong.

Ngoài ra, tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài làm mực nước trên các kênh trục xuống thấp, nhiều tuyến kênh rạch khô cạn, cũng đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ kênh, đường giao thông và nhà dân sống ven kênh ngày càng trầm trọng hơn.

Hàng loạt giải pháp thích ứng và “chống đỡ” biến đổi khí hậu cũng như tác động tiêu cực liên quan đã và đang được gấp rút thực hiện, nhất là từ sau Nghị quyết 120.

Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 120, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, nhất là từng bước chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng BĐKH và phát triển bền vững.

Ðánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 120, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: lãnh đạo Ðảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự hưởng ứng của người dân, kết quả thực hiện Nghị quyết số 120 đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu đã và đang được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; các hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy, góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ÐBSCL phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Bão lũ xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn cũng đe dọa ĐBSCL. Ảnh: Internet

Cụ thể, tổng số vốn đầu tư cho ÐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011 – 2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016 – 2020); đầu tư qua địa phương đạt khoảng 200 nghìn tỉ đồng; đầu tư qua các bộ, ngành đạt gần 70 nghìn tỉ đồng, tập trung vào các lĩnh vực giao thông – vận tải, cấp điện nông thôn, y tế, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 120 đối với vùng ÐBSCL vẫn còn gặp một số hạn chế. Chẳng hạn như chưa có cơ chế đặc thù để thực hiện mà vẫn phải theo tổng thể chính sách phát triển chung của cả nước và quy định của pháp luật. Nghị quyết số 120 được ban hành sau khi chương trình đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua, cho nên việc đề xuất bổ sung nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ gặp khó khăn. Mặt khác, do hệ thống giao thông đường bộ của các vùng sản xuất ở nông thôn chưa phát triển khiến nhiều loại nông sản có sản lượng lớn gặp khó khăn khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát huy hết tiềm năng, giá trị của ngành nông nghiệp ĐBSCL, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cần hoàn thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, đồng thời phát triển các khu công nghiệp trọng điểm chế biến nông sản, thủy sản.

Thêm vào đó, Nhà nước cần có cơ chế xây dựng Hội đồng điều phối vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, tạo sự thống nhất trong quy hoạch sản xuất và củng cố chuỗi liên kết phát triển thị trường để giải quyết đầu ra cho nông sản toàn vùng.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường