Quảng Ninh: Khai thác đất trái phép từ dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH Phú Lâm

Tháng 1/2017, dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) do Công ty TNHH Phú Lâm làm chủ đầu tư đã đi vào vận hành. Dự án này được nhiều người trong giới đầu tư biết đến vì là “siêu” dự án nghìn tỷ nhưng được cấp phép trong thời gian “kỷ lục” chỉ trong 3 giờ đồng hồ.

Cụ thể, chỉ trong 3 giờ đồng hồ, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các thủ tục cấp phép đầu tư cho dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty TNHH Phú Lâm, quy mô 1.000ha, bao gồm khu trại nuôi bò thịt, khu trại nuôi bò giống với tổng vốn đầu tư trên 2.258 tỷ đồng, tổng mức đầu tư 2.258 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân địa phương phản ánh, việc thực hiện theo dự án nuôi bò của công ty chỉ tiến hành với quy mô rất nhỏ so với thuyết minh, chủ yếu là hoạt động khai thác, vận chuyển đất bán ra bên ngoài.

Để xác minh thông tin, PV Dân Việt đã tìm hiểu và ghi nhận được rằng từ đầu tháng 3/2020, hàng chục xe tải lớn theo quốc lộ 18B vận chuyển đất thuộc dự án của Công ty Phú Lâm để san lấp mặt bằng khu vực sát phía biển thuộc Km27, xã Quảng Nghĩa.

Đoàn xe tải chở đất từ dự án của Công ty Phú Lâm. Ảnh: Dân Việt.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn m2 mặt nước biển cùng rừng ngập mặn đã bị vùi lấp bằng đất đồi vận chuyển từ khu vực dự án của Công ty Phú Lâm. Tại vị trí này, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, người đứng tên thực hiện dự án “nuôi trồng thủy sản” là ông Bùi Văn Đông, đã mua đất từ dự án của Công ty Phú Lâm để thực hiện san lấp mặt bằng.

Vào các ngày 19 và 20/4, có mặt tại khu vực dự án của Công ty Phú Lâm, PV ghi nhận hoạt động bốc xúc, vận chuyển đất của công ty vẫn đang tiến hành, mặc dù trước đó, vào ngày 31/3/2020, UBND TP. Móng Cái đã ra văn bản số 954 chỉ đạo xã Quảng Nghĩa thực hiện tạm dừng ngay hoạt động san nền xây dựng chuồng trại của Công ty Phú Lâm do không có giấy phép còn hiệu lực.

Hàng nghìn m2 mặt biển và rừng ngập mặn khu vực Km27 xã Quảng Nghĩa bị vùi lấp từ các xe chở đất của Công ty Phú Lâm. Ảnh: Dân Việt.

Khi đối chiếu với Quyết định số 147/QĐ-BQLKKT ngày 18/7/2017 “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án nuôi bò giống và bò thịt tại xã Quảng Nghĩa, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh”, trong 2 vị trí đang thực hiện san nền của công ty, có 1 vị trí nằm trong quy hoạch khu A (522m2) được phép xây dựng chuồng trại, 1 vị trí nằm trong quy hoạch khu B (986,9m2) trồng nguyên liệu chăn nuôi bò.

Theo trình bày của người đại diện hộ gia đình ông Bùi Văn Đông, nguồn gốc đất để san nền đầm là lấy từ Công ty TNHH Phú Lâm, thôn 5, Quảng Nghĩa, không có hợp đồng mua bán và không thực hiện giao dịch mua bán với Công ty TNHH Phú Lâm mà chỉ thực hiện giao dịch vận chuyển đất thông qua người tên là Mẹo (người dân huyện Hải Hà).

Hộ gia đình ông Bùi Văn Đông cũng thừa nhận là việc san lấp khu vực đầm chưa đúng quy định vì nguồn đất đầu san lấp chưa được cấp phép.

Trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo TP.Móng Cái xác nhận có sự việc vận chuyển đất từ dự án của Công ty Phú Lâm ra bên ngoài. “Thành phố đã lập tổ công tác do Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì để rà soát lại toàn bộ và kiểm tra, xử lý” – vị lãnh đạo nói.

Được biết, ngoài việc cấp phép nhanh chóng, sau khi cấp phép cho dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống này, để dự án sớm hoàn thiện trong thời gian sớm nhất, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng, nâng cấp đường đối với đường nối từ đường QL 18B vào các bản Nga Bát, Mai Dọc xã Quảng Nghĩa. Giao UBND Tp. Móng Cái triển khai thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành, UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện dự án.

Thế nhưng, trước những hành động khai thác đất kể trên, chúng ta cần đặt câu hỏi cho trách nhiệm của Công ty TNHH Phú Lâm trong việc bảo vệ và sử dụng tài sản, đặc biệt là trước sự quan tâm của tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư.

Đất có thể coi là một loại khoáng sản. Trong quá trình sử dụng thì người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Nếu hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường mà không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tùy từng hành vi và mức độ sẽ bị xử phạt theo Điều 41 Nghị định 33/2017/NĐ-CP.

Nếu hành vi khai thác khoáng sản (tài nguyên đất) làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ mà không có giấy phép khai thác thì sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP.

Nếu hành vi khai thác khoáng sản (tài nguyên đất) làm vật liệu thông thường mà không sử dụng vật liệu nổ mà giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn hoặc bị tước giấy phép khai thác thì sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 48 Nghị định 33/2017/NĐ-CP.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ