Quý 1/2020 Long Châu đạt doanh số 239 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ

Long Châu đạt doanh số 239 tỷ đồng, tăng 20% so với quý 4/2019

Sau hơn 2 năm được FPT Retail (FRT) tiếp quản, hệ thống Long Châu đã đạt mốc 100 nhà thuốc tại hơn 30 tỉnh, thành cả nước. Công ty cũng đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý 2/2020. Dự kiến, Long Châu sẽ đạt 200 cửa hàng vào cuối năm 2020.

Được biết, hệ thống Long Châu hiện có bán thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Kết thúc quý 1/2020, Long Châu đạt doanh số 239 tỷ đồng, tăng 20% so với quý 4/2019, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

FRT có chiến lược gia tăng độ phủ sóng của nhà thuốc Long Châu ra toàn quốc, chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2 – 3 năm tới. Kế hoạch đến năm 2021, chuỗi chính thức bước vào giai đoạn ‘bùng nổ’ khi bắt đầu có lãi năm đầu tiên, số cửa hàng dự tăng lên 420 đơn vị với doanh thu tăng hơn 2 lần lên 4.300 tỷ đồng. Con số năm tiếp theo (2022) lần lượt 6.500 tỷ doanh thu và 86 tỷ lợi nhuận, quy mô đạt 620 cửa hàng.

Mặc dù vậy, Long Châu trong ngắn hạn sẽ chịu rủi ro về việc chuyển đổi chuỗi nhà từ việc bán các sản phẩm tiểu ngạch sang các sản phẩm chính ngạch, điều này sẽ cộng thêm 10% thuế GTGT vào giá vốn hàng bán, giới phân tích đặt vấn đề.

Ngoài ra, Long Châu còn bán thuốc nhập khẩu và thực phẩm chức năng mà các đối thủ cạnh tranh ít bán. Những sản phẩm nhập khẩu này được mang về Việt Nam theo đường xách tay và các phương thức tiểu ngạch, bán tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ do đó có giá rẻ hơn. Nếu FRT chuyển đổi tất cả các nhà thuốc Long Châu từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ sang một doanh nghiệp (để hợp nhất báo cáo tài chính FRT), điều này không chỉ thêm 10% thuế VAT vào chi phí bán hàng, mà còn khiến Công ty không thể bán nhiều thuốc và thực phẩm chức năng nhập khẩu qua đường xách tay như trước đây, do đó làm giảm danh mục sản phẩm trong ngắn hạn

Năm 2020 sẽ mở 200 nhà thuốc Long Châu

Đại diện doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã tác động khá nghiêm trọng, đa chiều lên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp bán lẻ như FRT, những khó khăn do dịch bệnh mang lại càng rõ nét hơn. Thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã phần nào gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Theo đó, doanh số tháng 3/2020 sụt giảm khoảng 20% so với tháng 2/2020.

“Tuy nhiên, trong thách thức cũng có cơ hội, giữa mùa dịch khách hàng đã dịch chuyển xu thế sang mua hàng online, nhu cầu đối với các thiết bị cá nhân làm việc tại nhà tăng cao. FRT đã tận dụng cơ hội này để bán hàng, nâng cao được công tác quản trị rủi ro. Đây cũng là một cú huých mạnh mẽ để FRT sáng tạo hơn nhằm vượt qua khó khăn và tìm thấy những giá trị mới”, phía FRT nói.

Thống kê, mảng laptop của FPT Shop đạt doanh số tháng 2/2020 tăng 79% so với tháng 1 và tháng 3 tăng 172% so với tháng 1, “FRT sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mảng này trong dài hạn”.

Đến nay Việt Nam đang dần nới lỏng giãn cách, FRT theo đó sẽ tung nhiều ưu đãi thiết thực dành cho khách hàng. Cụ thể, trong tháng 5 này, FPT Shop giảm giá sâu cho điện thoại, laptop và cho khách hàng mua trả góp 0% lãi suất rất nhiều sản phẩm, với khoản trả trước chỉ từ 399.000 đồng. Đồng thời, FPT Shop cũng tặng nước rửa tay diệt khuẩn và giao hàng tận nhà trong vòng 60 phút.

Với mảng dược, số lượng cửa hàng Long Châu đạt 83 cửa hàng trải rộng khắp 19 tỉnh thành, tăng 13 cửa hàng so với cuối năm 2019. Tính đến hiện tại, Long Châu đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý 2/2020. Dự kiến, Long Châu sẽ đạt 200 cửa hàng vào cuối năm 2020.

“FPT Retail hiện chiến lược gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc, chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2-3 năm tới”, đại diện chuỗi nhấn mạnh.

Ghi nhận tại BCTN 2019, FRT đánh giá thị trường dược phẩm ở Việt Nam được xem là khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, tính theo tiền đồng Việt Nam.

Mặt khác, thị trường bán lẻ dược phẩm tại nước ta đang rất phân mảnh. Với thu nhập trung bình và nhận thức về sức khỏe đang ngày càng tăng, người dân có xu hướng lựa chọn các nhà thuốc hiện đại, có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), thay vì các nhà thuốc nhỏ, không đủ tiêu chuẩn. Quá trình chuyển dịch này đang được đẩy nhanh một phần nhờ vào các chính sách của Chính phủ nhằm kiểm soát thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua nhà thuốc (Thông tư số 02/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc).

Về phía FRT, sau khi tìm được công thức thành công cho chuỗi Long Châu, 2 trong năm 2020, FRT dự kiến mở rộng chuỗi lên 220 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc. Trong kế hoạch dài hạn, FRT định hướng phát triển mảng dược phẩm một cách quy hoạch và kiểm soát bài bản giống như việc vận hành hệ thống bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ