Sàn thương mại điện tử là ‘chợ’ trên mạng, chất lượng hàng hoá phụ thuộc vào người bán

iên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126) về quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP (NĐ 123) về hóa đơn, chứng từ. So với quy định hiện hành, Dự thảo đã có một số quy định mới về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử (TMĐT) liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên sàn.

Theo đó, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay (bổ sung Điều 7.5. NĐ 126) gồm: Sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến: có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) khai thuế, nộp thuế cho cá nhân; Sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Về trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán (bổ sung Điều 27.8 NĐ 126), dự thảo quy định, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn cho cơ quan thuế.

Theo VCCI, quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến là chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý. Cụ thể, NĐ 126 và Dự thảo sửa đổi NĐ 126 là các văn bản quy định chi tiết của Luật Quản lý thuế 2019, tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ, Luật Quản lý thuế 2019 không quy định về việc sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn và cũng không trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này. Tờ trình có viện dẫn đến Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, 2 Nghị định này cũng đều không quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT.

Không những thế, các quy định trong dự thảo cũng chưa thống nhất với các luật thuế khác về chủ thể có trách nhiệm nộp thuế. Cụ thể, Luật Thuế TNCN 2007 và Luật Thuế TNCN 2012 chỉ quy định 2 chủ thể có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế, gồm: cá nhân có thu nhập chịu thuế và tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

Mặt khác, theo Nghị định 65/2013/NĐ-CP, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân cư trú không thuộc loại thu nhập phải khấu trừ thuế do tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện. “Vì thế, sàn TMĐT không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán. Như vậy, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong trường hợp này là người bán trên sàn” – Văn bản của VCCI nêu.

Mặt khác, Luật Thuế GTGT 2008 quy định 2 đối tượng là người nộp thuế (tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa), do đó, người bán trên sàn TMĐT sẽ là đối tượng có trách nhiệm nộp thuế GTGT. Ngoài ra, việc quy định sàn TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán thực hiện kê khai, nộp thuế thay là chưa phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về chế định đại diện (Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015).

Ảnh minh hoạ

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, VCCI cho rằng sàn TMĐT là một hình thức “chợ” nhưng thực hiện trên không gian mạng, trách nhiệm về chất lượng, thông tin, quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa… thuộc về người bán.

Thực tế, nhiều sàn TMĐT có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả giao dịch qua sàn, vì sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt. Do đó, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng (thực tế, các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm ưu thế (86%) và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán. Không những thế, những quy định này sẽ tạo gánh nặng chi phí tuân thủ cho sàn TMĐT.

Cụ thể, mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10.65 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5.2 điểm phần trăm; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9.45 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 19.86 điểm phần trăm.

Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu dự kiến của năm 2023 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 8.12 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 3.55 điểm phần trăm; chi phí nhân sự tăng 8.35 điểm phần trăm. Đặc biệt, trong bối cảnh trên 80% các sàn TMĐT đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, quy định này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn TMĐT.

Các sàn TMĐT cũng chia sẻ nhiều lo ngại nếu thực hiện nghĩa vụ: 57.4% lo ngại quy định sẽ thay đổi quy trình quản lý và vận hành của DN; 100% cho rằng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.

Từ những bất cập đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán theo hướng sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán cho cơ quan thuế, cụ thể: Bỏ quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến; Sửa đổi quy định về cung cấp thông tin theo hướng sàn TMĐT cung cấp thông tin về doanh thu (được hiểu là tổng giá trị đơn hàng) với tần suất 1 năm/lần.