Sau nhiều năm thua lỗ tên tuổi Anova Milk vẫn lu mờ, vốn chủ âm

Lỗ hơn 200 tỷ trong 4 năm

Bên cạnh mảng kinh doanh địa ốc với thương hiệu Novaland, ông Bùi Thành Nhơn còn sở hữu công ty nông nghiệp Anova Corp, với lĩnh vực kinh doanh đa dạng từ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mía đường…

Năm 2015, Anova tuyên bố tham gia vào thị trường sữa bột thông qua việc hợp tác với đối tác từ Ireland. Trong đó, giai đoạn 1 (2014-2017), công ty con của Anova là Anova Milk cam kết đầu tư trên 50 triệu USD cho toàn bộ quy trình cung ứng, từ khâu kiểm soát chất lượng trang trại xanh Anka Ireland đến khâu nghiên cứu công thức dinh dưỡng, sản xuất và vận chuyển, từ đó hình thành quy trình truy xuất nguồn gốc khép kín.

Các sản phẩm sữa bột đầu tiên sẽ tiêu thụ trong nước với thương hiệu Anka, do Novaland cùng tập đoàn Kerry Group (Ireland) hợp tác độc quyền phát triển, sản xuất và đóng gói tại nhà máy ILAS (Tây Ban Nha). Được biết, Kerry là công ty cung cấp nguyên liệu và sản phẩm sữa bột dinh dưỡng trẻ em tại 140 quốc gia trên thế giới, với doanh thu hàng tỷ Euro.

Thậm chí, lãnh đạo Novaland còn tuyên bố mục tiêu đạt 5% thị phần trong vòng 3 năm hoạt động. Theo giới thiệu, Anka có lợi thế về mã truy xuất nguồn gốc và là thương hiệu tiên phong trả “quyền được biết” cho người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sữa tươi, quy trình kiểm tra chất lượng, sản xuất, công thức dinh dưỡng, ngày sản xuất và đóng gói, kiểm tra dinh dưỡng đến vận chuyển.

Cần nhấn mạnh, lúc bấy giờ thị trường sữa đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, thu hút hàng loạt đại gia ngoại ngành gia nhập. Kể tên có Tập đoàn Đức Long Gia Lai ký kết hợp tác với Vinamilk nhằm tư vấn xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa. Đình đám không kém, VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) chính thức rót 75 triệu USD vào Sữa Quốc tế (IDP), kỳ vọng sẽ trở thành thế lực mới trên thị trường sữa.

Mặc dù vậy, hôm nay nhìn lại hầu hết các tên tuổi trên đều sớm lu mờ trên thương trường. Ghi nhận, doanh thu Anova Milk giai đoạn 2016-2019 biến động khá mạnh, năm 2017 giảm mạnh chỉ còn 16 tỷ đồng. Tính đến năm 2019, doanh thu Công ty đạt 52 tỷ – giảm 27% so với năm ngoái. Trong khi đó, công ty vẫn liên tục thua lỗ, hiện lỗ luỹ kế đang ở mức 200 tỷ đồng, vốn chủ âm hàng chục tỷ dù thương hiệu vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường.

Nhiều tay chơi mới cũng cùng cảnh ngộ

Thực tế, không riêng Anova Milk, một số đơn vị mới trong ngành cũng cùng cảnh thua lỗ triền miên. Đơn cử, dù đánh ngách sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, CTCP Sữa Chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk) cũng thua lỗ 3 năm trở lại đây, lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2019 hơn 80 tỷ đồng.

Hay IDP, mới đây nhóm quỹ VinaCapital VOF và Daiwa PI Partners đã chính thức thoái vốn sau 5 năm tham gia với tham vọng trở thành thế lực mới trên thị trường sữa. Trước các giao dịch của Blue Point và VCSC, nhóm VinaCapital và Daiwa sở hữu hơn 65% cổ phần của IDP. Về kinh doanh, IDP cũng thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016-2018. Tại thời điểm 30/6/2020, dù lợi nhuận tăng mạnh và huy động được thêm 332 tỷ đồng từ bán cổ phiếu, vốn chủ sở hữu của IDP từ mức -41 tỷ hồi đầu năm đã tăng lên 441 tỷ đồng. Hiện tại, IDP vẫn còn lỗ lũy kế 428,5 tỷ đồng.

Nhìn chung, nửa đầu năm nay trước ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp sữa ghi nhận nhiều chuyển biến lớn. Vinamilk sau thời gian dài đã chính thức nắm 75% cổ phần của CTCP GTNFoods, qua đó nắm quyền chi phối tại Sữa Mộc Châu với quy mô 25.000 con bò.

Chỉ sau thời gian ngắn thông qua quyết định, Blue Point cùng Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) từ nhóm VinaCapital.

Chưa kể, thương hiệu mới trong nước cũng đang phát triển nhanh, như Vitadairy hay Nutifood vừa ra mắt dòng sữa tươi cùng cam kết chất lượng quốc tế. Dù không xuất hiện nhiều trên truyền thông, Vitadairy được biết đến là “tay chơi” đáng để tâm với xuất thân từ đội ngũ gồm những người tâm huyết trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ