Soi tiềm lực tập đoàn của bầu Hiển sắp mua 40 triệu liều Sputnik V

Tập đoàn T&T với những dự án đình đám

Công ty CP Tập đoàn T&T thành lập năm 1993, có địa chỉ tại số 2A Phạm Sư Mạnh (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), là một tập đoàn đa ngành nghề, hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm…

Đây là tập đoàn gắn với tên tuổi của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (SN 1962), người hay được gọi với cái tên “bầu Hiển” do ông từng là Chủ tịch câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội do tập đoàn T&T tài trợ.

Ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái doanh nghiệp của tập đoàn như công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF), công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land), tổng Công ty Bảo hiểm BSH, công ty TNHH MTV T&T Đà Nẵng, công ty TNHH T&T Hồ Chí Minh.

Tập đoàn của bầu Hiển đã chi khoảng 500 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Hiển hiện cũng là Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội, Uỷ viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong hệ sinh thái T&T group, hai doanh nghiệp tiêu biểu nhất là công ty CP Tập đoàn T&T và ngân hàng SHB.

Trong đó, công ty T&T hiện chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán song là một công ty có tiềm lực lớn, được giao đầu tư nhiều dự án đình đám trên cả nước.

Mới đây nhất, ngày 23/6/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa và T&T đã chính thức khởi công xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khu du lịch sinh thái này có quy mô 84,8 ha; tổng vốn đầu tư hơn 3.660 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng giữa các đô thị, trung tâm du lịch, kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hoá.

Trước đó, ngày 27/6/2020, trong khuôn khổ hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”, T&T Group cũng chính thức nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ. Dự án có tổng mức đầu tư 779,8 tỷ đồng (tương đương 33,5 triệu USD), đặt tại Huyện Phúc Thọ, sẽ là cụm công nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường với quy mô 41,7ha.

Trước thềm hội nghị, đại diện TP. Hà Nội đã cùng đại diện Tập đoàn T&T Group ký kết thỏa thuận hợp tác cho 4 dự án trong 2 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng thể thao và nông nghiệp công nghệ cao với tổng mức đầu tư 680 triệu USD.

Bao gồm: Dự án học viện thể thao T&T đặt tại thị xã Sơn Tây với quy mô khoảng 25ha, tổng mức đầu tư 110 triệu USD; dự án Tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy, với mức đầu tư 270 triệu USD, quy mô 32.158m2, bao gồm khu sân vận động 20.000 chỗ, khu vực nhà thi đấu, khu văn phòng làm việc; dự án Trung tâm quần vợt Hà Nội, đặt tại quận Nam Từ Liêm, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD, quy mô 8,48ha; dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sơn Tây có tổng mức đầu tư 200 triệu USD với diện tích 841ha…

Trước đó, vào tháng 2/2020, nhà máy điện rác Xuân Sơn, đặt tại Ba Vì với công suất 15,5W, công suất 1.000 tấn/ngày đêm do tập đoàn T&T làm chủ đầu tư đã được bổ sung vào quy hoạch điện VII quốc gia.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang đề xuất đầu tư hàng loạt dự án ở tỉnh Quảng Trị như dự án điện khí Hải Lăng, khu đô thị – dịch vụ du lịch Gio Hải, dự án Khu đô thị phía Đông TP Đông Hà, dự án Khu du lịch – dịch vụ Triệu Vân, huyện Triệu Phong.

Ngân hàng SHB nằm trong câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ

Tại quý 1/2021, ngân hàng SHB báo lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.664 tỷ đồng gấp 2,1 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm 2020.

Với lợi nhuận sau thuế 1.330 tỷ đồng (tăng 116% so với quý 1/2020), quý này SHB xếp thứ 10 trong danh sách 12 nhà băng có lợi nhuận nghìn tỷ .

Trước đó, trong năm 2020, SHB có lợi nhuận trước thuế 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021, ngân hàng dự kiến tăng trưởng 70%, tương đương mục tiêu lợi nhuận 5.555 tỷ đồng.

“Không chỉ năm 2021 mà trong các năm tiếp theo, tăng trưởng lợi nhuận của SHB sẽ có những bước tăng trưởng vượt bậc, bứt phá ngoạn mục, hướng tới năm 2025 trở thành ngân hàng số một về hiệu quả”, Chủ tịch SHB cho biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây.

Thương vụ bất thành của bầu Hiển

Từ bất động sản, bóng đá hay tài chính, ông Đỗ Quang Hiển luôn được coi là đại gia mát tay khi đầu tư, tuy nhiên, ông bầu này lại chưa thành công khi kinh doanh bệnh viện. Còn nhớ, tháng 10/2015, tập đoàn T&T rót 150 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 51,43% vốn điều lệ của bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT).

Ngày 26/12, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch tập đoàn T&T – được bầu vào HĐQT công ty CP Bệnh viện Giao thông vận tải. Đây là bệnh viện đầu tiên được áp dụng cổ phần hoá. Thời điểm đó, cổ đông Nhà nước (bộ Giao thông) sở hữu 32,73%, còn lại là cổ đông khác.

Tuy nhiên, việc cổ phần hoá bệnh viện GTVT sau đó diễn ra không mấy suôn sẻ. Bệnh viện liên tục thua lỗ, lợi nhuận gộp giảm sút theo từng năm. Trung bình mỗi năm bệnh viện này đạt doanh thu khoảng 180 tỷ đồng, lỗ khoảng 30 tỷ đồng.

Năm 2018, T&T thoái vốn khỏi bệnh viện GTVT song lý do không phải do thua lỗ mà do không đạt được thoả thuận về tỉ lệ sở hữu sau cổ phần hoá. Theo tính toán của bộ GTVT, sau khi quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của công ty CP Bệnh viện GTVT sẽ tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12%.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống 28,88%. Với tỷ lệ sở hữu này, nhà đầu tư chiến lược không có quyền phủ quyết và tiếng nói không có nhiều trọng lượng trong điều hành bệnh viện. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến T&T quyết định thoái vốn.

Từ 31/12/2020, bệnh viện có sự chuyển giao đại diện người sở hữu từ bộ GTVT sang Uỷ ban Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Cập nhật mới nhất, tại quý 1/2021, bệnh viện Giao thông vận tải đạt hơn 30 tỷ doanh thu, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 37 tỷ đồng. Với doanh thu này, trong kỳ bệnh viện GTVT lỗ hơn 6 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 chỉ lỗ 3 tỷ đồng. Thời điểm cuối tháng 3/2021, bệnh viện đầu tiên cổ phần hoá của Việt Nam đã bị lỗ luỹ kế tới gần 165 tỷ đồng.

Ngoài các lĩnh vực trên, hiện tập đoàn T&T là cổ đông lớn nhất tại Cảng Quảng Ninh với việc sở hữu gần 73,77 triệu cổ phiếu CQN, tương ứng tỷ lệ 98,29%. Ông Phạm Công Đoàn, người đại diện phần vốn góp của tập đoàn T&T hiện là Ủy viên HĐQT Cảng Quảng Ninh.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7, cổ phiếu CQN đứng tại mức giá tham chiếu 30.000 đồng/CP. Tạm tính với mức thị giá này, tập đoàn T&T đang sở hữu khoảng hơn 2.200 tỷ đồng do sở hữu cổ phiếu CQN.

Do công ty T&T chưa niêm yết, bản thân Chủ tịch Đỗ Quang Hiển hiện chỉ nắm giữ hơn 36 triệu cổ phiếu SHB và hơn 593 nghìn cổ phiếu SHS nên tài sản trên sàn chứng khoán của ông bầu chỉ đạt 906 tỷ đồng. Với con số này, bầu Hiển hiện đang xếp ở vị trí 121 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 73 vừa được công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của bộ Y tế về việc giới thiệu T&T Group với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động.

Kinh phí này không sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.

Việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vắc-xin, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vắc-xin nêu trên sẽ được thực hiện theo quy định.

Trước đó, vào cuối tháng 3, bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 đối với vắc xin Sputnik V của Nga.

Sputnik V là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ 11/8/2020, bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vắc xin Sputnik V khi vắc xin này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Tuy nhiên, đến nay vắc xin Sputnik V đã được hơn 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet , vắc xin Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virút SARS CoV-2.

Trước đó, T&T Group đã nhiều lần ủng hộ, đồng hành cùng Chính phủ, bộ Y tế và toàn thể cộng đồng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, tổng số tiền mà T&T Group và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình đã ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 lên tới hơn 500 tỷ đồng.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật